1. DN cho thuê lại lao động phải niêm yết bản chính giấy phép tại trụ sở
Đây là nội dung tại Nghị định 29/2019/NĐ-CP hướng dẫn Khoản 3 điều 54 BLLĐ về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Theo đó, DN cho thuê lại lao động phải niêm yết công khai bản chính giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động tại trụ sở chính thay vì bản sao như quy định tại Điều 11 Thông tư 01/2014/TT-BLĐTBXH ngày 08/01/2014;
Trong trường hợp DN có chi nhánh, văn phòng đại diện thì niêm yết bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động tại các cơ sở trên.
Ngoài ra, Nghị định 29 còn quy định về việc tăng thời hạn của Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động lên tối đa là 60 tháng (tăng 24 tháng so với quy định hiện hành).
Nghị định 29/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05/5/2019.
2. Lao động nam người nước ngoài trên 60 tuổi không phải đóng BHXH bắt buộc
Bộ LĐ-TB&XH ban hành Công văn 1064/LĐTBXH-BHXH về việc giải đáp vướng mắc trong thực hiện Nghị định 143/2018/NĐ-CP hướng dẫn về BHXH bắt buộc với NLĐ nước ngoài.
Theo đó, NLĐ nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có đủ các điều kiện sau:
- Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
- Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam;
- Chưa đủ 60 tuổi đối với nam và chưa đủ 55 tuổi đối với nữ;
- Không thuộc đối tượng di chuyển trong nội bộ DN, bao gồm:
NLĐ là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật đang làm việc tại một DN nước ngoài, đã được DN nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng và được cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của DN nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Công văn 1064/LĐTBXH-BHXH ban hành ngày 18/3/2019.
3. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải trả lương khi NLĐ tham gia đào tạo nghề
Đây là nội dung tại Thông tư 32/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, trong thời gian NLĐ tham gia các khóa đào tạo nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa có trách nhiệm chi trả cho NLĐ theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động, bao gồm các khoản sau:
- Tiền lương;
- Tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
- Các chi phí khác (nếu có) theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động;
Đối với các chi phí còn lại, doanh nghiệp thỏa thuận với NLĐ khi cử tham gia các khóa đào tạo nghề.
Thông tư 32/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/2/2019.
4. Hướng dẫn truy thu BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập
Vừa qua, BHXH Việt Nam ban hành Công văn 835/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện truy thu thu BHXH bắt buộc đối với giáo viên mầm non ngoài công lập.
Hồ sơ truy thu BHXH đối với giáo viên mầm non bao gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo Mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 888/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018;
- Hợp đồng lao động, hoặc quyết định tuyển dụng của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, hoặc giấy tờ gốc có liên quan thể hiện có làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non.
Nếu không còn các hồ sơ gốc như trên thì cung cấp giấy tờ có liên quan đến thời gian làm việc, tiền lương,… kèm theo xác nhận và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non nơi đã làm.
Công văn 835/BHXH-BT được ban hành ngày 20/3/2019.