1. Hướng dẫn nghiệp vụ trong thí điểm đổi mới, tăng cường đối thoại, hòa giải
Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 59/TANDTC-PC hướng dẫn bổ sung về nghiệp vụ triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND.
Theo đó, hướng dẫn bổ sung nghiệp vụ 21 trường hợp đối với các tòa án được lựa chọn thí điểm; đơn cử như:
- Trường hợp vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn có liên quan đến con là người chưa thành niên thì:
+ Trước khi tiến hành hòa giải, Hòa giải viên có phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp không?
+ Có phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên không?
- Trường hợp người khởi kiện nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kèm theo đơn khởi kiện; hoặc đơn khởi kiện đã được Tòa thụ lý và lên lịch hòa giải, đối thoại mà người khởi kiện có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì xử lý như thế nào?
Công văn 59/TANDTC-PC được ban hành ngày 29/3/2019.
2. Sửa Luật theo hướng có lợi nhất cho hoạt động doanh nghiệp
Đây là nội dung được nêu tại Chỉ thị 09/CT-TTg về giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng:
- Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm khắc phục những bất cập hiện nay;
- Cắt giảm, bãi bỏ các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết;
- Huy động hiệu quả các nguồn lực và tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi tại Việt Nam.
Ngoài ra, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Chỉ thị 09/CT-TTg được ban hành ngày 01/4/2019.
3. Thời hạn giải quyết cho thuê nhà ở cũ thuộc SHNN là không quá 30 ngày
Kể từ ngày 15/5/2019, Nghị định 30/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực. Theo đó:
- Thời hạn giải quyết cho thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước là không quá 30 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thuê nhà ở nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
- Thời hạn hợp đồng thuê nhà ở cũ là 05 năm, tính từ ngày ký kết hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp người thuê có nhu cầu thuê thời hạn ngắn hơn;
- Khi hết thời hạn thuê nhà ở mà bên thuê vẫn đủ điều kiện thuê nhà ở và có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó thì được gia hạn hợp đồng thuê nhà ở bằng với thời hạn thuê nhà trước đó, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở theo quy định của pháp luật.
4. Nợ phải phân loại theo quy định của Ngân hàng phát triển Việt Nam
Ngày 29/3/2019, Ngân hành nhà nước ban hành Thông tư 04/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 24/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam .
Theo đó, sửa đổi điều khoản quy định về đối tượng điều chỉnh của Thông tư, cụ thể, kể từ ngày 15/5/2019, nợ phải được phân loại quy định tại Thông tư này bao gồm:
- Cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước;
- Cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo hợp đồng ký kết trước thời điểm Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước có hiệu lực;
- Cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;
- Ủy thác cho vay;
- Cho vay khác;
- Các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng.
Thông tư 04/2019/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2019.