1. Trang TTĐT phải có văn bản thỏa thuận về việc được phép dẫn lại tin bài
Đây là một trong những nội dung được quy định tại Công văn 3835/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp (Trang TTĐT tổng hợp).
Theo đó, nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm kéo dài trong hoạt động của các trang TTĐT tổng hợp, Bộ TT&TT yêu cầu các Sở TT&TT địa phương thực hiện một số giải pháp như:
- Yêu cầu các trang TTĐT tổng hợp phải có thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan báo chí (không chấp nhận thỏa thuận miệng) về việc cho phép trang thông tin điện tử tổng hợp được dẫn lại tin bài.
- Yêu cầu các trang TTĐT tổng hợp phải thể hiện đường dẫn để truy cập tin, bài gốc (link) ngay dưới tin, bài mà trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại từ các báo.
- Tạm dừng cấp giấy phép thiết lập trang TTĐT tổng hợp với nhóm đối tượng là các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí để rà soát, chấn chỉnh, xử lý các trang TTĐT tổng hợp vi phạm...
Xem chi tiết tại Công văn 3835/BTTTT-PTTH&TTĐT được ban hành ngày 29/10/2019.
2. Mức phạt với DN bảo hiểm nhân thọ liên quan đến hành vi rửa tiền
Ngày 01/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Nghị định 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013.
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền thì bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
- Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xem chi tiết tại Nghị định 80/2019/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký.
Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cho biết: “Bên cạnh quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thì Nghị định 80 cũng đã bổ sung về điều kiện hoạt động đối với cá nhân tham gia dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Việc quy định chặt chẽ về bằng cấp, trình độ của các cá nhân tham gia sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; các hoạt động phụ trợ sẽ diễn ra một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn cho khách hàng”.
3. Bãi bỏ 4 VBQPPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, liên tịch ban hành
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 05/2019/TT-BTP bãi VBQPPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, liên tịch ban hành.
Cụ thể, bãi bỏ toàn bộ 04 VBQPPL sau:
- Nghị quyết liên tịch 04/1985/NQLT ngày 16/11/1985.
- Thông tư liên tịch 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN ngày 31/3/2000.
- Thông tư liên tịch 04/2001/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN-UBQGDS-KHHGĐ ngày 09/7/2001.
- Thông tư 15/2014/TT-BTP ngày 20/5/2014.
Thông tư 05/2019/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
4. Sửa quy định về trang phục của công chức thanh tra LĐ-TB&XH
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 16/2019/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 14/2015/TT-BLĐTBXH quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành LĐ-TB&XH.
Theo đó, công chức thanh tra chuyên ngành được cấp trang phục như đối với thanh tra viên, không có cấp hiệu, cầu vai, cấp hàm (hiện hành, được cấp trang phục, cấp hiệu, biển hiệu theo quy định của Bộ trưởng BLĐTBXH).
Ngoài ra, Công chức thanh tra chuyên ngành được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc theo quy định tại Điều 6 Thông tư 14/2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 16/2019).
Kinh phí thực hiện được đảm bảo từ dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, được trích từ xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra, kiểm tra,…
Thông tư 16/2019/TT-BLĐTBXH chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2019.