1. Các trường hợp sáng chế được coi là không bị mất tính mới
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 01/11/2019, trừ một số trường hợp quy định về sở hữu trí tuệ tại Luật này.
Theo đó, sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bộc lộ bởi:
- Người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; hoặc
- Người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký.
(Hiện hành, Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định 3 trường hợp với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày công bố).
2. Hướng dẫn mới về tình tiết "dâm ô" được quy định tại BLHS
Theo Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC thì tình tiết "dâm ô" quy định tại khoản 1 Điều 146 của BLHS được mô tả như sau:
Dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
- Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
- Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
- Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
- Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
- Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).
Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 05/11/2019.
Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT nhận định: “Nghị quyết 06 sẽ nâng cao quyền bất khả xâm phạm về thân thể trẻ em, đặt trẻ em vào vòng bảo vệ an toàn nhất có thể; cũng như tạo khung pháp lý rõ ràng để xử lý nghiêm tội phạm xâm hại trẻ em”.
3. Hướng dẫn thay đổi thông tin về nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế điện tử
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 66/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 110/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
Theo đó, nếu thông tin về loại thuế, mẫu hồ sơ khai thuế, kỳ tính thuế, kỳ khai thuế, ngày bắt đầu, ngày kết thúc phải nộp hồ sơ khai thuế trên Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế không đúng hoặc có thay đổi thì:
- Người nộp thuế sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử truy cập Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN và điều chỉnh thông tin.
- Cơ quan thuế thực hiện cập nhật thông tin về nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế của người nộp thuế.
Đồng thời, cơ quan thuế gửi thông tin xác nhận cho người nộp thuế qua Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN trong 02 ngày làm việc kể từ ngày điều chỉnh thông tin (hiện hành quy định 5 ngày làm việc).
Thông tư 66/2019/TT-BTC có hiệu lực ngày 05/11/2019.
4. Nâng mức vay tối thiểu cần tài sản bảo đảm để đi làm việc ở nước ngoài
Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về điều kiện bảo đảm tiền vay tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP như sau:
Đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.
(Theo quy định hiện hành, vay từ 50 triệu đồng trở lên thì cần có tài sản bảo đảm).
Nghị định 74/2019/NĐ-CP có hiệu lực ngày 08/11/2019.