1. Từ 11/01/2021, người dân được sử dụng pháo hoa (không gây tiếng nổ)
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các sự kiện sau: Lễ, tết; sinh nhật; cưới hỏi; hội nghị; khai trương; ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật khác.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Pháo hoa được phép sử dụng là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Nghị định 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021.
2. Ô tô từ 09 chỗ trở xuống không phải bố trí phương tiện chữa cháy
Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.
Theo đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 04 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn PCCC.
Riêng đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 09 chỗ ngồi phải bảo đảm:
- Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn PCCC;
- Có quy định, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Như vậy, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 09 chỗ ngồi trở xuống không phải bố trí phương tiện chữa cháy.
Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2021.
3. Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật lĩnh vực tài chính, ngân sách
Nội dung này được đề cập tại Quyết định 1923/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Theo đó, bí mật nhà nước độ Tối mật thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách gồm:
- Tờ trình, báo cáo, phương án, thuyết minh, số liệu về chính sách tài chính - ngân sách nhà nước chi tiết trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ trong trường hợp có chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
- Kế hoạch dự trữ quốc gia do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý;
- Kế hoạch tài chính 03 năm, dự toán, quyết toán chi ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý.
- Số liệu tuyệt đối về số lượng và giá trị hàng dự trữ quốc gia do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý…
Xem nội dung chi tiết Quyết định 1923/QĐ-TTg ngày 25/11/2020.
4. Cách tính đơn vị cồn trong rượu, bia
Nội dung này được nêu tại Quyết định 4946/QĐ-BYT ban hành tài liệu "Hướng dẫn sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng.
Theo đó, cách tính đơn vị cồn trong rượu, bia như sau:
Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x Nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi)
Quyết định 4946/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 26/11/2020.