1. Vi phạm quy định về quyền, nghĩa vụ với người cao tuổi bị phạt đến 40 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
Theo đó, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi:
Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các hình thức đối xử tồi tệ khác với người cao tuổi.
Như vậy, đối với các vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người cao tuổi thì cá nhân bị phạt đến 20 triệu đồng; tổ chức bị phạt đến 40 triệu đồng.
(Trước đây, theo Nghị định 144/2013/NĐ-CP đối với các vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ đối với người cao tuổi thì cá nhân bị phạt đến 10 triệu đồng; tổ chức bị phạt đến 20 triệu đồng).
Nghị định 130/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013.
2. Điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai
Ngày 06/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 02/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó quy định 04 điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà, công trình xây dựng như sau:
- Có hợp đồng mua bán, thuê mua được lập theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 02/2022/NĐ-CP; trường hợp các bên đã ký hợp đồng trước ngày 01/3/2022 thì phải có hợp đồng đã ký kết;
- Thuộc diện chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận);
- Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng phải thuộc diện không có tranh chấp, khiếu kiện;
- Nhà, công trình xây dựng thuộc hợp đồng mua bán, thuê mua không thuộc diện bị kê biên, thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý.
Việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng được thực hiện đối với toàn bộ hợp đồng.
Trường hợp mua bán, thuê mua nhiều căn nhà, công trình xây dựng trong cùng một hợp đồng mà các bên có nhu cầu chuyển nhượng từng căn nhà, công trình xây dựng thì bên chuyển nhượng phải thỏa thuận với chủ đầu tư để sửa đổi hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng hoặc ký phụ lục hợp đồng trước khi thực hiện chuyển nhượng hợp đồng theo quy định tại Nghị định 02/2022/NĐ-CP .
Nghị định 02/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2022 và thay thế Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015.
3. Vi phạm quy định về đăng ký, quản lý cư trú bị phạt đến 12 triệu đồng
Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP các vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú bị phạt đến 12 triệu đồng.
Cụ thể, quy định phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
- Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
- Làm giả, sử dụng sổ hộ khẩu giả, sổ tạm trú giả để đăng ký thường trú, tạm trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
- Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 09 người lưu trú trở lên;
- Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật;
- Cản trở, không chấp hành việc kiểm tra thường trú, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, từ ngày 01/01/2022, cá nhân vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú bị phạt đến 6 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt đến 12 triệu đồng.
(Trước đây, theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì cá nhân vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú bị phạt đến 4 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt đến 8 triệu đồng).
Nghị định 144/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
4. Những thị trường/ngành/nghề không thu tiền dịch vụ của người đi XKLĐ
Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định những thị trường ngành/nghề không thu tiền dịch vụ của người đi XKLĐ.
Cụ thể, tại phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định 04 thị trường/ngành/nghề không thu tiền dịch vụ người đi XKLĐ như sau:
- Thực tập sinh kỹ năng số 3 tại Nhật Bản (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).
- Lao động kỹ năng đặc định tại Nhật Bản (trường hợp hoàn thành chương trình Thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc Thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).
- Lao động giúp việc gia đình tại Ma-lai-xi-a.
- Lao động giúp việc gia đình tại các nước Tây Á.
Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.