Đây là nội dung tại Nghị định 29/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước do Chính phủ ban hành.
Đơn cử, tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng trong tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý như sau:
- Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng.
- Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật.
- Có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
- Chấp hành sự phân công của cơ quan, tổ chức; tuân thủ kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật.
Xem chi tiết tại Nghị định 29/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.
Chính phủ ban hành Nghị định 30/2024/NĐ-CP ngày 07/3/2024 quy định về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.
Theo đó, điều kiện với phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam như sau:
- Là phương tiện cơ giới đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 30/2024/NĐ-CP :
+ Xe ô tô chở người có tay lái ở bên phải hoặc có tay lái ở bên trái gồm: Từ 09 chỗ trở xuống, xe ô tô nhà ở lưu động;
+ Xe mô tô hai bánh.
- Có Giấy đăng ký xe và gắn biển số xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực;
- Có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô);
- Đối với phương tiện cơ giới nước ngoài là xe ô tô có tay lái ở bên phải: Có công hàm của Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam gửi Bộ Công an đề nghị và nêu rõ lý do cho phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam;
- Phải làm thủ tục hải quan, tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật hải quan ngay tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh;
- Chỉ được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường hàng không; phải tạm nhập, tái xuất theo đúng cửa khẩu đã được Bộ Công an chấp thuận;
- Thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 45 ngày. Trong trường hợp bất khả kháng được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày và phải thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 30/2024/NĐ-CP .
(Trong khi đó, theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 152/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 57/2015/NĐ-CP ) quy định điều kiện với phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam như sau:
- Là xe ô tô chở khách có tay lái ở bên trái từ 9 chỗ trở xuống, xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái ở bên trái và xe mô tô;
- Thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đã được đăng ký tại nước ngoài và gắn biển số nước ngoài;
- Có Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực;
- Có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô).)
Xem thêm Nghị định 30/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.
Nghị định 152/2013/NĐ-CP và Nghị định 57/2015/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2024.
Danh mục ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp là nội dung được đề cập tại Nghị định 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Cụ thể, ngành, nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp gồm:
- Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp cơ khí (như: Ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế,...); công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp dệt may, da giày;
- Công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng thông minh; công nghiệp công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học;
- Các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương cần được bảo tồn và phát triển; dịch vụ kho bãi, đóng gói bao bì, vận chuyển hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị công nghiệp và dịch vụ khác phục vụ trực tiếp cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương với tổng diện tích không quá 10% diện tích cụm công nghiệp;
- Các ngành, nghề công nghiệp khác có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững;
- Các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm tại các làng nghề, khu dân cư được khuyến khích di dời vào cụm công nghiệp.
(Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 68/2017/NĐ-CP thì lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào cụm công nghiệp gồm:
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong làng nghề, khu dân cư, đô thị và các cơ sở sản xuất khác cần di dời vào cụm công nghiệp;
- Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn;
- Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển do Chính phủ ban hành;
- Sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, lao động ở địa phương;
- Các ngành, nghề, sản phẩm có thể mạnh của địa phương, vùng và các lĩnh vực, ngành, nghề khác phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương;
- Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.)
Xem thêm Nghị định 32/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.
Nghị định 68/2017/NĐ-CP và Nghị định 66/2020/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày 01/5/2024.
Đây là nội dung tại Công văn 837/TCT-DNL ngày 06/3/2024 về việc quyết liệt thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu do Tổng cục Thuế ban hành.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu đồng chí Cục trưởng Cục Thuế, đặc biệt là đồng chí Cục trưởng tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện lập HĐĐT từng lần bán hàng còn thấp (theo Phụ lục 02 đính kèm) trực tiếp, quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về HĐĐT, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;
Đồng thời, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mà Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo; phân công, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ phận, cán bộ công chức của Cục Thuế để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, tăng cường hơn nữa năng lực giám sát và kịp thời hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thành công việc phát hành HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Cục Thuế chủ động thành lập các đoàn kiểm tra hoặc tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu việc thực hiện HĐĐT và kết nối dữ liệu về cơ quan thuế theo quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP , tiến hành xử phạt theo quy định pháp luật đối với các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Xem thêm Công văn 837/TCT-DNL ban hành ngày 06/3/2024.