Đây là nội dung tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 27/6/2024.
Theo đó, điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ như sau:
- Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024. Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:
+ Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;
+ Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;
+ Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
- Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng phù hợp loại xe máy chuyên dùng đang điều khiển; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Khi tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải mang theo các loại giấy tờ sau đây:
+ Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc Giấy biên nhận còn hiệu lực của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;
+ Giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ;
+ Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng theo quy định của pháp luật;
+ Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử thì việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử.
- Người lái xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện; đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
- Người tập lái xe ô tô, người dự sát hạch lái xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ phải thực hành trên xe tập lái, xe sát hạch trên tuyến đường tập lái, tuyến đường sát hạch, có giáo viên dạy lái hoặc sát hạch viên bảo trợ tay lái. Giáo viên dạy lái, sát hạch viên phải mang theo các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Xem thêm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Luật Giao thông đường bộ 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung) hết hiệu lực kể từ ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 5 và 6 Điều 89 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Nghị quyết 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô hết hiệu lực kể từ ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 89 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân từ ngày 01/01/2025 là nội dung tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 24/6/2024.
Cụ thể, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân như sau:
- Độc lập theo thẩm quyền xét xử.
- Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật và Tòa án.
- Thực hiện quyền tư pháp kịp thời, công bằng, công khai, vô tư, khách quan.
- Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
- Thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
- Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
- Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
- Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.
- Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
- Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Xem thêm tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 hết hiệu lực từ ngày Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 152 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.
Chính phủ ban hành Nghị định 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 hướng dẫn Luật Nhà ở 2023 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo đó, cơ chế ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư như sau:
- Chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được giao thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 63 Luật Nhà ở 2023; phạm vi dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được xác định trong quy hoạch chi tiết do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Trường hợp trong phạm vi của dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có phần diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê là đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đang quản lý theo quy định của pháp luật đất đai thì chủ đầu tư được miễn tiền bồi thường về đất, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với phần diện tích này, trừ trường hợp diện tích đất này đủ điều kiện tách thành dự án độc lập, riêng biệt theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 34 Nghị định 98/2024/NĐ-CP .
- Trường hợp sau khi được lựa chọn mà chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất so với quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt và được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với phần diện tích tăng thêm này theo quy định của pháp luật đất đai; việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với phần diện tích tăng thêm này được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai.
- Trường hợp theo quy hoạch được duyệt, địa điểm có nhà chung cư bị phá dỡ vẫn tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư (không bao gồm trường hợp quy gom) nhưng chủ đầu tư được toàn bộ các chủ sở hữu nhà chung cư đó đồng ý không tái định cư tại chỗ và chủ đầu tư thống nhất thực hiện bồi thường, tái định cư tại địa điểm khác hoặc bồi thường bằng tiền cho các chủ sở hữu này theo phương án bồi thường, tái định cư được phê duyệt theo quy định của Nghị định 98/2024/NĐ-CP thì chủ đầu tư dự án được hưởng các cơ chế ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 98/2024/NĐ-CP .
- Trường hợp khi Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở theo quy định về chính sách thanh lý, hóa giá nhà ở trước đây nhưng Nhà nước mới chỉ thu tiền nhà, chưa thu tiền sử dụng đất của người được thanh lý, hóa giá mà nhà ở này thuộc diện phải phá dỡ để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì chủ đầu tư dự án được miễn tiền bồi thường về đất, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất có nhà ở đã thanh lý, hóa giá này.
Xem thêm tại Nghị định 98/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.
Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 98/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 12/2024/TT-BKHĐT ngày 28/6/2024 quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể, danh mục các lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ, bao gồm:
(1) Quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài.
(2) Quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư.
(3) Quản lý nhà nước về thẩm định dự án.
(4) Quản lý nhà nước về đấu thầu.
(5) Quản lý nhà nước về lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn.
(6) Quản lý nhà nước về quy hoạch.
(7) Quản lý nhà nước về khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế.
(8) Quản lý nhà nước về phát triển doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.
(9) Quản lý nhà nước về ODA, vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước.
(10) Quản lý nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác.
(11) Quản lý nhà nước về thống kê.
(12) Chương trình, dự án, đề án do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt thuộc các lĩnh vực được quy định tại (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11) mục này.
Xem thêm tại Thông tư 12/2024/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 16/8/2024.