Ngày 04/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (bao gồm: hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện), hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, đối tượng bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai.
Đối tượng áp dụng của Nghị định 123/2024/NĐ-CP bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này xảy ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác, gồm:
+ Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi là cá nhân);
+ Hộ gia đình, cộng đồng dân cư (bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm);
+ Tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
- Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
Nghị định 123/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04/10/2024.
Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự 2019.
Theo đó, tiêu chuẩn thi đua xếp loại chấp hành án phạt tù với phạm nhân như sau:
Việc nhận xét, đánh giá và quyết định kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù cho mỗi phạm nhân được căn cứ theo các tiêu chuẩn sau:
- Nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải; trung thực khai báo, tố giác tội phạm mà mình biết; tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra.
- Nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật, bản án, quyết định của Tòa án và nội quy, quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân; tích cực ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi sai phạm; thực hiện nếp sống kỷ luật, trật tự, văn minh; không có thái độ, lời nói, việc làm tiêu cực, gây chia rẽ, mất đoàn kết và ảnh hưởng xấu đến người khác.
- Tích cực, tự giác, gương mẫu trong lao động, học nghề, tham gia đầy đủ ngày công, lao động có kỷ luật, có năng suất, chất lượng, hoàn thành chỉ tiêu, định mức lao động; thực hiện tốt yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; có ý thức tham gia thúc đẩy phong trào thi đua trong phạm nhân.
- Tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức; tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của mình và của người khác; có ý thức giúp đỡ phạm nhân khác cùng rèn luyện, học tập tiến bộ và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Nghị định 118/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2024 và thay thế Nghị định 133/2020/NĐ-CP .
Ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Theo đó, hình thức giám sát của Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau:
- Nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau:
+ Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng;
+ Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;
+ Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ;
+ Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
+ Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Việc giám sát của Nhân dân phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ;
+ Không được vào khu vực thực thi công vụ quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan;
+ Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Thông tư 46/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/11/2024.
Ngày 30/9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 48/2024/TT-NHNN quy định áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, quy định về áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
- Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân không vượt quá mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.
- Tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.
- Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam quy định tại Thông tư này bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
- Tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.
Thông tư 48/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 20/11/2024 và thay thế Thông tư 07/2014/TT-NHNN .