1. Đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường
Ngày 21/5/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 54/2021/NĐ-CP quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Theo đó, đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường bao gồm dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Dự án đầu tư công (trừ các dự án đầu tư công khẩn cấp, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án thành phần thuộc dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch);
- Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP);
- Dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trừ trường hợp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Nghị định 54/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 21/5/2021.
2. Quy định mới về chiều cao PCCC đối với nhà chung cư
Mới đây, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 03/2021/TT-BXD về QCVN 04:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư.
Theo đó, điểm mới trong về chiều cao PCCC của nhà chung cư cụ thể như sau:
- Khi không có lỗ cửa (của sổ), thì chiều cao PCCC được xác định bằng một nửa tổng khoảng cách tính từ mặt đường cho xe chở cháy tiếp cận đến mặt sàn và đến trần của tầng trên cùng.
(Hiện hành, Thông tư 21/2019 quy định khi không có lỗ cửa thì chiều cao bố trí của tầng cao nhất được xác định bảng nửa tổng cao trình của sàn và của trần tầng đó).
- Trường hợp mái nhà được khai thác sử dụng thì chiều cao PCCC của nhà được xác định bằng khoảng cách lớn nhất từ mặt đường cho xe chữa cháy tiếp cận đến mép trên của tường chắn mái (quy định mới so với Thông tư 21/2019).
Thông tư 03/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 05/7/2021 và thay thế Thông tư 21/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019.
3. Quy định về quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ (Điều 21)
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Theo đó, căn cứ danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ tại Điều 13 Thông tư 31/2021, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quản lý như sau:
- Trường hợp rủi ro cao:
+ Đưa vào danh sách thực hiện rà soát, kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế.
+ Bổ sung kế hoạch kiểm tra thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế hàng năm theo quy định.
+ Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra thực hiện chuyển hình thức sử dụng hóa đơn đang thực hiện sang thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế hoặc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc thực hiện các biện pháp quản lý hóa đơn khác theo quy định hiện hành.
+ Quyết định hình thức sử dụng hóa đơn đối với người nộp thuế sử dụng hóa đơn lần đầu.
- Trường hợp rủi ro trung bình và rủi ro thấp:
Thực hiện chọn mẫu để rà soát, kiểm tra, xử lý và tăng cường hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định pháp luật về hóa đơn.
Thông tư 31/2021/TT-BTC có hiệu lực ngày 02/7/2021 và thay thế Thông tư 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015.
4. Điều kiện áp dụng thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định UKVFTA
Ngày 21/5/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2021/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA giai đoạn 2021-2022.
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định UKVFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 53.
- Được nhập khẩu vào Việt Nam từ:
+ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len;
+ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hàng hoá nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước).
- Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa và có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định UKVFTA.
Nghị định 53/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 21/5/2021.