1. Từ 20/4/2021, đánh đập, hành hạ vật nuôi bị phạt đến 03 triệu đồng
Ngày 01/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Theo đó, quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; Đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt tiền gấp đôi.
Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2021.
2. Nội dung hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi
Mới đây, Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên.
Theo đó, quy định hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi phải có các nội dung tại Điều 21 của Bộ luật Lao động và các nội dung sau:
- Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; số điện thoại (nếu có); số thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi;
- Chỗ ở đối với người chưa đủ 15 tuổi làm việc xa gia đình;
- Việc bảo đảm điều kiện học tập.
Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2021.
3. 04 lưu ý chung về hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng
Chính phủ ban hành Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Theo đó, nêu rõ 04 lưu ý về hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng như sau:
- Hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng được gửi trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến theo quy định.
- Các văn bản, giấy tờ, bản vẽ thiết kế trong hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử.
- Bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng phải tuân thủ quy định về quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng theo Điều 33 Nghị định 15/2021.
- Khi nộp hồ sơ dưới dạng bản sao điện tử, chủ đầu tư chỉ cần nộp 01 bộ hồ sơ bản vẽ thiết kế xây dựng.
Nghị định 15/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 03/3/2021.
4. Mức thù lao của Hòa giải viên tối đa là 1,5 triệu đồng/vụ việc
Chính phủ ban hành Nghị định 16/2021/NĐ-CP quy định mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên tại Tòa án.
Theo đó, quy định Hòa giải viên được trả thù lao theo từng vụ việc sau khi đã tiến hành phiên hòa giải, đối thoại theo quy định, cụ thể:
- Đối với vụ việc chấm dứt hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: mức thù lao từ 1.000.000 đồng/01 vụ việc đến tối đa 1.500.000 đồng/01 vụ việc;
- Đối với vụ việc chấm dứt hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 6 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại: mức thù lao từ 500.000 đồng/01 vụ việc đến dưới 1.000.000 đồng/01 vụ việc;
TANDTC hướng dẫn các TAND chi trả mức thù lao cụ thể theo hai quy định trên căn cứ vào số lượng phiên hòa giải, đối thoại và tính chất phức tạp của vụ việc hòa giải, đối thoại.
- Đối với vụ việc chấm dứt hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại: mức thù lao 500.000/01 vụ việc.
Nghị định 16/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 03/3/2021.