1. Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020
Ngày 12/3/2021, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 636/TCT-DNNCN hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, hướng dẫn nhiều trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không phải khai quyết toán thuế TNCN (áp dụng đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan Thuế), đơn cử như:
- Cá nhân có số thuế TNCN phải nộp thêm sau quyết toán thuế của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống.
- Cá nhân có số thuế TNCN phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.
- Cá nhân ký HĐLĐ từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, có thu nhập vãng lai ở các nơi khác và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thì không phải quyết toán với phần thu nhập này…
Xem chi tiết hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn 636/TCT-DNNCN ngày 12/3/2021.
2. TANDTC công bố thêm 04 án lệ áp dụng từ ngày 15/4/2021
Ngày 12/3/2021, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định 42/QĐ-CA về việc công bố 04 án lệ mới được áp dụng trong xét xử từ ngày 15/4/2021, gồm:
- Án lệ số 40/2021/AL về công nhận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất trên thực tế;
- Án lệ số 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế;
- Án lệ số 42/2021/AL về quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có thỏa thuận trọng tài;
- Án lệ số 43/2021/AL về hiệu lực của hợp đồng thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất do bên thế chấp nhận chuyển nhượng từ người khác nhưng chưa thanh toán đủ tiền cho bên bán.
Việc áp dụng án lệ được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
3. Cán bộ, công chức tiếp dân không sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc
Ngày 11/3/2021, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 01/2021/TT-TTCP quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.
Theo đó, quy định quy tắc ứng xử trong giao tiếp qua điện thoại, thư điện tử và trên mạng xã hội như sau:
- Khi giao tiếp qua điện thoại và các phương thức giao tiếp trực tuyến khác, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, cụ thể với âm lượng vừa đủ nghe, thái độ hòa nhã.
- Sử dụng hộp thư điện tử công vụ theo đúng quy định; đảo đảm an toàn, an ninh thông tin; không sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc; không sử dụng thư điện tử, mạng xã hội để tuyên truyền, đăng tải thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan, đơn vị.
Thông tư 01/2021/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.
4. Các loại tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Ngày 19/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 21/2021/NĐ-CP thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Theo đó, quy định tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
(1) Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cẩm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;
(2) Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
(3) Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;
(4) Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.
Nghị định 21/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.