Theo đó, ban hành kèm theo Quyết định 1744 phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia với 6 nhóm nhiệm vụ chính sau đây:
(1) Hoàn thiện thể chế, chính sách và năng lực quản lý điều hành trong phòng chống thiên tai với các nhiệm vụ sau:
- Rà soát, cập nhật, hoàn thiện các pháp luật chuyên ngành về phòng chống thiên tai và các pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai;
- Xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và truyền thông trong phòng, chống thiên tai;
- Cập nhật, hoàn thiện, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai;
- Xây dựng đề án hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý, chỉ đạo điều hành các hoạt động phòng, chống thiên tai…
(2) Nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai với nhiệm vụ:
- Triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (đã được TTCP phê duyệt tại Quyết định 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021).
(3) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai với các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo điều hành ứng phó các loại hình thiên tai phổ biến theo thời gian thực;
- Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực có nguy cơ cao;
- Xây dựng công cụ, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác vận hành hồ chứa thủy lợi; hệ thống dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn...
(4) Tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng thông qua các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng, củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển theo quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều;
- Đầu tư sửa chữa dứt điểm đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; từng bước đầu tư nâng cấp, xây dựng bổ sung đập, hồ chứa và hệ thống thủy lợi để bảo đảm an ninh nguồn nước;
- Xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến an toàn dân cư…
(5) Nâng cao khả năng phục hồi và tái thiết sau thiên tai thông qua các nhiệm vụ sau:
- Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong thống kê, đánh giá thiệt hại và xác định nhu cầu khắc phục hậu quả sau thiên tai theo quy định tại Nghị định 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021;
- Nâng cao năng lực cứu trợ khẩn cấp, khôi phục sản xuất, khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và bền vững trên quan điểm “xây dựng lại tốt hơn”;
(6) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế thông qua các nhiệm vụ:
- Nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ lưu hồ chứa thủy lợi;
- Nâng cao năng lực dự báo hạn hán, xâm nhập mặn;
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu các cấp; xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ trong phòng, chống thiên tai;
- Huy động và tiếp nhận, điều phối có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (viện trợ không hoàn lại, vay ưu đãi, trao đổi chuyên gia,…)…
Xem nội dung chi tiết tại Quyết định 1744/QĐ-BNN-ĐĐ có hiệu lực kể từ ngày 05/5/2023.