Yêu cầu đối với việc số hóa hồ sơ, giấy tờ thủ tục hành chính ngành BHXH Việt Nam bao gồm:
- Quá trình số hóa phải bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, toàn vẹn dữ liệu của hồ sơ, giấy tờ được số hóa và tính hoàn thiện về nội dung, quy trình số hóa.
- Quá trình số hóa phải bảo đảm các nguyên tắc về bảo vệ dữ liệu cá nhân, không làm xâm hại, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Dữ liệu điện tử của giấy tờ phải lưu các trường dữ liệu đặc tả để tái sử dụng trong giải quyết thủ tục hành chính khác có liên quan.
Người có trách nhiệm thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ thủ tục hành chính ngành BHXH Việt Nam bao gồm:
- Công chức, viên chức, người lao động được giao thực hiện tiếp nhận, xử lý, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính.
- Nhân viên của doanh nghiệp cung ứng bưu chính và các trường hợp khác được giao đảm nhận việc số hóa hồ sơ, giấy tờ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị định 107/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử ngành BHXH Việt Nam được quy định như sau:
- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử phải bảo đảm thể thức theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc được chuyển từ bản giấy sang bản điện tử theo quy định tại Điều 25, 26, 27 Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư.
- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử phải được xử lý để bảo đảm đầy đủ các dữ liệu đặc tả được nêu tại khoản 2 Điều 9 Quyết định này và quy định về lưu trữ thông điệp điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử.
- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử được lưu vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Ngành BHXH Việt Nam.
Xem chi tiết tại Quyết định 1333/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 25/9/2023.