Để có thể đạt mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh Lao vào năm 2030 theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu:
- Lãnh đạo Bộ Y tế, các Bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông, cung cấp kịp thời, chính xác tình hình, các biện pháp phòng, chống và khả năng tiếp nhận điều trị người bệnh mắc lao để nâng cao ý thức của nhân dân trong công tác phòng, chống và điều trị bệnh lao.
- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan:
+ Tổ chức tổng kết 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh Lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; đưa báo cáo công tác phòng, chống Lao vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội định kỳ hàng tháng của Bộ Y tế; cập nhật nội dung về thực trạng, các vấn đề về dân số, phòng, chống bệnh lao vào báo cáo kinh tế - xã hội gửi Quốc hội để đề xuất nguồn lực, chính sách triển khai.
+ Dự thảo nội dung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng, chống bệnh Lao, trên cơ sở đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh Lao cho giai đoạn mới.
+ Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích cán bộ, nhân viên y tế tham gia và bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống bệnh Lao; nghiên cứu kết hợp tây y, đông y và y học cổ truyền trong điều trị bệnh Lao.
+ Sớm có kế hoạch làm việc với 12 địa phương chưa có bệnh viện chuyên khoa Lao để thống nhất mô hình và ưu tiên nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống và điều trị bệnh Lao.
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất đề án mô hình tổ chức phòng, chống bệnh Lao phù hợp (thành lập khoa, bệnh viện liên vùng,..) trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2024; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống bệnh Lao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2024.
- Chỉ đạo Chương trình phòng, chống bệnh Lao, Bệnh viện Phổi Trung ương tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ xét nghiệm, phát hiện nhanh, huy động các nguồn kinh phí viện trợ để triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh Lao.
- Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương rà soát các đối tượng chưa có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn, nhất là các đối tượng được chẩn đoán xác định mắc Lao để có giải pháp cho các đối tượng này được hưởng bảo hiểm y tế; thực hiện đấu thầu tập trung để bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống bệnh Lao.
- Đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc bố trí đủ nguồn lực và tài chính cho công tác phòng, chống bệnh Lao, trong đó chú trọng khâu tầm soát, phát hiện sớm.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch điều tra hiện mắc Lao toàn quốc vào năm 2025 để làm cơ sở đề xuất các giải pháp phòng, chống bệnh Lao phù hợp, hiệu quả, tiến tới chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030.
- Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Lao phù hợp, hiệu quả cho các đối tượng đang quản lý tại trại giam, tạm giam, nhà tạm giữ và trong các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở tâm thần, cơ sở bảo trợ xã hội;
- Khẩn trương thực hiện việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao trên cơ sở Quyết định 1745/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2024.
Xem chi tiết nội dung tại Thông báo 167/TB-VPCP ngày 17/4/2024.