Cụ thể, Thông tư 54/2024/TT-BTC bãi bỏ 02 Thông tư hướng dẫn mua sắm thường xuyên của cơ quan, đơn vị sau đây:
- Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
- Thông tư 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022 sửa đổi Thông tư 58/2016/TT-BTC .
Thông tư 54/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 09/9/2024. Kể từ ngày Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực (01/01/2024) đến ngày Nghị định 24/2024/NĐ-CP có hiệu lực (27/02/2024), các nội dung quy định tại Thông tư 58/2016/TT-BTC và Thông tư 68/2022/TT-BTC không phù hợp với Luật Đấu thầu 2023 thì không được áp dụng.
Trường hợp có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hướng dẫn hoặc trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn theo quy định tại khoản 7 Điều 133 Nghị định 24/2024/NĐ-CP .
**Lý do bãi bỏ: Tại điểm a khoản 6 Điều 129 Nghị định 63/2014/NĐ-CP giao Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Do đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 và Thông tư 68/2022/TT-BTC ngày 11/11/2022.
Ngày 27/02/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà thầu, trong đó tại điểm a khoản 1 Điều 134 quy định: Nghị định 63/2014/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày 27/02/2024.
Đồng thời không có nội dung giao Bộ Tài chính tiếp tục hướng dẫn về mua sắm thường xuyên.