Theo đó, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
- Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao:
(1) Chú trọng phát triển thị trường trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và sang các thị trường lớn, tiềm năng.
(2) Chỉ đạo các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó có hành vi giả mạo mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, không để các tổ chức, cá nhân gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
- Bộ Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan:
(1) Khai thác tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Kịp thời thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu; tranh thủ tối đa, có hiệu quả cơ hội phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, cơ hội xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực của nước ta, nhất là hàng nông sản.
(2) Duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, kịp thời đưa ra khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
(3) Tiếp tục triển khai hệ thống cảnh báo sớm phòng vệ thương mại về các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời kịp thời điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo đúng quy định.
(4) Kịp thời có giải pháp quản lý, điều tiết, đẩy mạnh sản xuất, ổn định cung cầu các mặt hàng năng lượng, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống. Tổ chức triển khai có hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường điều tiết, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch vùng trồng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Xem thêm tại Nghị quyết 122/NQ-CP ban hành ngày 08/8/2024.