Ai có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về thuế? Lập biên bản vi phạm hành chính về thuế theo hình thức điện tử được không?
Ai có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về thuế?
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về thuế được quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
Lập biên bản vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
1. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 32, 33, 34 Nghị định này hoặc người đang thi hành công vụ thuộc cơ quan hành chính nhà nước phát hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
...
Như vậy, theo quy định, tùy vào từng trường hợp, hành vi vi phạm, những người sau đây sẽ có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về thuế:
(1) Công chức thuế đang thi hành công vụ;
(2) Đội trưởng Đội Thuế;
(3) Chi cục trưởng Chi cục Thuế;
(4) Cục trưởng Cục Thuế;
(5) Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;
(6) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
(7) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
(8) Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ;
(9) Chánh thanh tra Sở Tài chính, Trưởng đoàn thanh tra Cục Thuế, Trưởng đoàn thanh tra Tổng cục Thuế thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
(10) Trưởng đoàn thanh tra Bộ Tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
(11) Chánh thanh tra Bộ Tài chính.
(12) Người đang thi hành công vụ thuộc cơ quan hành chính nhà nước phát hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Ai có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về thuế? (Hình từ Internet)
Lập biên bản vi phạm hành chính về thuế theo hình thức điện tử được không?
Việc lập biên bản vi phạm hành chính điện tử được quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
Lập biên bản vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
...
2. Lập biên bản vi phạm hành chính
a) Việc lập biên bản vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp xác định rõ hành vi vi phạm hành chính tại biên bản thanh tra thuế, kiểm tra thuế thì biên bản thanh tra, kiểm tra thuế được xác định là biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 108 Luật Quản lý thuế.
b) Lập biên bản vi phạm hành chính điện tử
Trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thay đổi thông tin đăng ký thuế, chậm nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai quyết toán thuế bằng phương thức điện tử thì chậm nhất một ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế gửi thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế điện tử hoặc thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế điện tử, cơ quan thuế lập và gửi 01 biên bản vi phạm hành chính điện tử cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, kể cả trường hợp người nộp thuế nộp nhiều hồ sơ thuế.
...
Như vậy, theo quy định, có thể lập biên bản vi phạm hành chính về thuế theo hình thức điện tử đối với các trường hợp sau đây:
(1) Người nộp thuế chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bằng phương thức điện tử;
(2) Người nộp thuế chậm thay đổi thông tin đăng ký thuế bằng phương thức điện tử;
(3) Người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai quyết toán thuế bằng phương thức điện tử.
Biên bản vi phạm hành chính điện tử phải ghi rõ những thông tin nào?
Biên bản vi phạm hành chính điện tử được quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
Lập biên bản vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn
...
2. Lập biên bản vi phạm hành chính
...
b) Lập biên bản vi phạm hành chính điện tử
...
Biên bản vi phạm hành chính điện tử được lập và gửi đáp ứng yêu cầu về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế là cơ sở để cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Biên bản vi phạm hành chính điện tử phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; chữ ký số của người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, mã số thuế, số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ, mã số thuế của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm thực hiện vi phạm; hành vi vi phạm hành chính; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình. Biên bản vi phạm hành chính điện tử không bắt buộc phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cơ quan thuế có trách nhiệm xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng việc lập và gửi biên bản vi phạm hành chính điện tử. Khi hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng điều kiện lập, gửi biên bản vi phạm hành chính điện tử đối với các hành vi vi phạm về thủ tục thuế, hóa đơn khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập và gửi biên bản vi phạm hành chính điện tử.
Như vậy, theo quy định, biên bản vi phạm hành chính điện tử phải ghi rõ các thông tin sau đây:
(1) Ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản;
(2) Họ, tên, chức vụ người lập biên bản;
(3) Chữ ký số của người lập biên bản;
(4) Họ, tên, địa chỉ, mã số thuế, số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ, mã số thuế của tổ chức vi phạm;
(5) Giờ, ngày, tháng, năm thực hiện vi phạm;
(6) Hành vi vi phạm hành chính;
(7) Quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm;
(8) Cơ quan tiếp nhận giải trình.
Lưu ý: Biên bản vi phạm hành chính điện tử không bắt buộc phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Biên bản vi phạm hành chính có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Bản kiểm điểm đảng viên cuối năm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã? Tiêu chuẩn để trở thành Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã là gì?
- Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất được tổ chức vào thời gian nào?
- Nghị quyết 18-NQ/TW đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị? Toàn văn Nghị quyết 18-NQ/TW khóa XII ở đâu?
- Đăng ký cư trú cho người chưa thành niên theo Nghị định 154/2024 thế nào? Giấy tờ nào dùng để chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú?
- Trước ngày 15 12 đối tượng nào phải nộp hồ sơ khai thuế khoán? Khi nào cơ quan thuế phát Tờ khai thuế?