Bao bì thuốc lá có bắt buộc phải in cảnh báo sức khỏe hay không? Nếu không có thì đối tượng nào sẽ bị phạt, mức phạt là bao nhiêu?
Cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá có bắt buộc hay không?
Cảnh báo sức khỏe in trên bao bì thuốc lá
Điều 2 Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BYT-BCT quy định về bao bì thuốc lá như sau:
“Bao bì thuốc lá là bao, tút, hộp chứa đựng thuốc lá và lưu thông cùng với thuốc lá.”
Khoản 5 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định về cảnh báo sức khỏe:
“Cảnh báo sức khoẻ là thông tin bằng chữ và hình ảnh mô tả hoặc giải thích về ảnh hưởng có hại tới sức khỏe con người do việc sử dụng thuốc lá.”
Khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định về việc bắt buộc phải in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá như sau:
“Điều 15. Ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá
1. Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.
2. Việc ghi nhãn đối với thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải được thực hiện bằng tiếng Việt, theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) In cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, dễ hiểu;”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, bao bì thuốc lá phải có nội dung về cảnh báo sức khỏe, chứa những thông tin bằng chữ và hình ảnh mô tả, giải thích một cách ngắn gọn những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người.
Nội dung cảnh báo sức khỏe cần đáp ứng điều kiện nào?
Nội dung cảnh báo sức khỏe in trên bao bì thuốc lá cần đáp ứng những nội dung quy định tại khoản 3, 4, 6 và 7 Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 như sau:
“3. Nội dung cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe và thông điệp thích hợp khác, phải được thay đổi theo định kỳ 02 năm một lần.
4. Cảnh báo sức khỏe quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, tút, hộp thuốc lá.
…
6. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe đối với thuốc lá quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
7. Chính phủ quy định cụ thể mức tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe phù hợp với từng thời kỳ.”
Điều 4 Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BYT-BCT nêu rõ những tiêu chuẩn bắt buộc của yêu cầu về cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, gồm những nội dung sau:
(1) Mẫu cảnh báo sức khoẻ:
Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khoẻ trên bao bì theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Cảnh báo sức khỏe phải bảo đảm được in rõ nét và dễ nhìn.
(2) Vị trí in cảnh báo sức khỏe:
- Cảnh báo sức khỏe phải được in trên mặt chính trước và mặt chính sau của bao bì thuốc lá và phải bảo đảm không bị che lấp hoặc che mờ bởi bất kỳ vật liệu, hình ảnh, thông tin nào khác, trừ việc dán tem thuốc lá theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thuốc lá có nhiều bao bì thì cảnh báo sức khỏe phải được in trên tất cả bao bì theo quy định tại Thông tư liên tịch này.
Trường hợp bao bì thuốc lá có sử dụng bao bọc ngoài thì bao bọc ngoài phải trong suốt, không màu và không làm che lấp cảnh báo sức khỏe, trừ trường hợp bao bọc ngoài có in logo chống hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp đã được đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trước ngày Thông tư liên tịch này được ban hành.
- Cảnh báo sức khoẻ phải được in song song sát với rìa trên của bao bì thuốc lá.
(3) Diện tích in cảnh báo sức khỏe:
Diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá.
(4) Màu sắc của cảnh báo sức khỏe:
Cảnh báo sức khỏe phải được in từ 4 màu cơ bản trở lên, độ phân giải khi in không được dưới 300DPI (dot per inch).
(5) Sử dụng luân phiên các mẫu cảnh báo sức khỏe:
- Mỗi loại sản phẩm thuốc lá của một nhãn hiệu thuốc lá phải in trên bao bì thuốc lá một trong 06 mẫu cảnh báo sức khỏe quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Các loại sản phẩm thuốc lá của một nhãn hiệu thuốc lá, các nhãn hiệu thuốc lá khác nhau của một nhà sản xuất phải in các mẫu cảnh báo sức khỏe khác nhau. Trường hợp một nhãn hiệu thuốc lá có trên 06 loại sản phẩm, một nhà sản xuất có trên 06 nhãn hiệu thuốc lá thì phải in đồng thời đủ 06 mẫu cảnh báo sức khỏe.
- Mẫu cảnh báo sức khỏe của mỗi loại sản phẩm thuốc lá phải được thay đổi định kỳ 02 năm một lần.
Bên cạnh đó, Điều 11 Nghị định 77/2013/NĐ-CP quy định về mức tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe phù hợp với từng thời kỳ như sau:
“Điều 11. Tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá
1. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức theo dõi thi hành và đánh giá việc thực hiện quy định in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá và đề xuất Chính phủ quy định tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá khi đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Việc tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phù hợp với từng thời kỳ phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Phù hợp với định hướng, chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; yêu cầu phòng ngừa và giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe; yêu cầu kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá;
b) Tăng hiệu quả tác động của việc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá;
c) Phù hợp với tình hình, xu hướng in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá của các nước trong khu vực và trên thế giới.
3. Nội dung đề xuất tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá bao gồm:
a) Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá;
b) Mức tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá;
c) Dự báo tác động của việc tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá;
d) Tài liệu tổng hợp ý kiến của tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động của đề xuất tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.”
Như vậy, cảnh báo sức khỏe phải đáp ứng đủ những tiêu chuẩn nêu trên về nội dung và hình thức như vị trí, diện tích, màu sắc,… phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình in cảnh báo sức khỏe của các quốc gia khác trên thế giới.
Vi phạm quy định về cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, xử phạt ra sao?
Điểm a, b, d khoản 1, điểm a khoản 2, khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 27 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định một số mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá như sau:
“Điều 27. Vi phạm quy định về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) In cảnh báo sức khỏe không đúng mẫu, vị trí, diện tích và màu sắc theo quy định của pháp luật;
b) Không thay đổi định kỳ 2 năm một lần cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật;
…
d) Sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khỏe con người.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật đối với thuốc lá sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam;
…
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi sản phẩm và khắc phục, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này. Trường hợp không khắc phục được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy;...”
Lưu ý: theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP mức phạt trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tùy vào hành vi cụ thể và mức độ vi phạm mà cơ quan có thẩm quyền sẽ đề ra các mức xử phạt tương ứng với các hành vi vi phạm về cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá nêu trên.
Như vậy, cảnh báo sức khỏe là nội dung bắt buộc phải có trên bao bì thuốc lá và phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cảnh báo sức khỏe theo quy định của pháp luật hiện hành để có thể thuận tiện hơn trong quá trình kinh doanh và lưu hành trên thị trường.
Trần Hồng Oanh
- khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP
- Điểm a, b, d khoản 1, điểm a khoản 2, khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 27 Nghị định 117/2020/NĐ-CP
- Điều 11 Nghị định 77/2013/NĐ-CP
- Điều 4 Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BYT-BCT
- Khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012
- Khoản 5 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012
- Điều 2 Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BYT-BCT
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thuốc lá có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viên chức Bộ Tư pháp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong bao nhiêu năm thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc?
- Mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước? Cách chấm điểm tiêu chí đánh giá?
- Đối tượng được hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp khi bị thu hồi đất theo Luật Đất đai mới?
- Mẫu bảng tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn sử dụng trong đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non?
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?