Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ là gì? Để được làm tổ chức bảo lãnh chính thì cần phải đáp ứng những điều kiện nào?
Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 95/2018/NĐ-CP thì bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ được hiểu là phương thức bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ hợp bảo lãnh phát hành bao gồm:
- Tổ chức bảo lãnh chính và/hoặc các tổ chức đồng bảo lãnh chính;
- Tổ chức bảo lãnh phát hành và/hoặc các tổ chức đồng bảo lãnh phát hành.
Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ (Hình từ Internet)
Tải trọn bộ các văn bản về bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ hiện hành: Tại Đây
Điều kiện để được làm tổ chức bảo lãnh chính phát hành trái phiếu Chính phủ?
Theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 95/2018/NĐ-CP, để được làm tổ chức bảo lãnh chính phát hành trái phiếu Chính phủ thì cần phải đáp ứng những điều kiện sau đây:
- Các tổ chức tài chính có chức năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh chứng khoán theo quy định của pháp luật được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
- Có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo lãnh chứng khoán;
- Có phương án bảo lãnh phát hành khả thi đáp ứng được yêu cầu của chủ thể tổ chức phát hành đối với mỗi đợt phát hành.
Quy trình bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 16 Nghị định 95/2018/NĐ-CP thì việc bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ được thực hiện theo quy trình như sau:
* Lựa chọn tổ chức bảo lãnh
- Căn cứ yêu cầu của từng đợt bảo lãnh phát hành, điều kiện của tổ chức bảo lãnh chính quy định tại khoản 2 Điều này, Kho bạc Nhà nước lựa chọn tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính cho từng đợt bảo lãnh phát hành.
- Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính lựa chọn tổ chức bảo lãnh phát hành/đồng bảo lãnh phát hành, báo cáo Kho bạc Nhà nước chấp thuận.
* Cung cấp các thông tin cơ bản về đợt phát hành
- Kho bạc Nhà nước cung cấp các thông tin cơ bản về đợt phát hành để tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh tìm kiếm nhà đầu tư.
- Nội dung cung cấp thông tin bao gồm:
+ Khối lượng dự kiến phát hành;
+ Kỳ hạn dự kiến phát hành;
+ Định hướng lãi suất đối với từng kỳ hạn phát hành;
+ Thời gian dự kiến phát hành.
* Tổng hợp nhu cầu mua trái phiếu của nhà đầu tư
- Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và thành viên của tổ hợp bảo lãnh tổng hợp nhu cầu mua trái phiếu của nhà đầu tư gồm:
+ Khối lượng dự kiến mua;
+ Khối lượng mua chắc chắn;
+ Lãi suất kỳ vọng đối với từng kỳ hạn gửi Kho bạc Nhà nước.
* Kho bạc Nhà nước đàm phán với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính
Kho bạc Nhà nước đàm phán với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính về khối lượng, điều kiện, điều khoản của trái phiếu (kỳ hạn, lãi suất phát hành ngày phát hành, ngày thanh toán tiền mua trái phiếu, giá bán trái phiếu), chi phí bảo lãnh và các nội dung liên quan khác.
* Ký hợp đồng bảo lãnh phát hành
- Căn cứ kết quả đàm phán với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính Kho bạc Nhà nước ký hợp đồng bảo lãnh phát hành với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính để bán trái phiếu.
- Hợp đồng bảo lãnh phát hành là căn cứ pháp lý xác nhận các quyền, nghĩa vụ của tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính; quyền, nghĩa vụ của Kho bạc Nhà nước.
* Phân phối trái phiếu
Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh có trách nhiệm phân phối trái phiếu theo cam kết tại hợp đồng bảo lãnh. Trường hợp không phân phối hết trái phiếu, tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh có trách nhiệm mua hết khối lượng còn lại.
* Kết thúc đợt bảo lãnh phát hành
Kết thúc đợt bảo lãnh phát hành, Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ cho nhà đầu tư theo danh sách do tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính cung cấp.
Mệnh giá và lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện và điều khoản của trái phiếu Chính phủ như sau:
Điều kiện và điều khoản của trái phiếu Chính phủ
1. Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ:
a) Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn chuẩn là 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm và 50 năm.
b) Các kỳ hạn khác của trái phiếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong từng thời kỳ.
2. Mệnh giá phát hành: Trái phiếu Chính phủ có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.
3. Đồng tiền phát hành, thanh toán là đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ, đồng tiền phát hành, thanh toán là ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này.
4. Hình thức trái phiếu Chính phủ
a) Trái phiếu Chính phủ được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử tùy thuộc vào phương thức phát hành.
b) Chủ thể tổ chức phát hành quyết định cụ thể về hình thức trái phiếu Chính phủ đối với mỗi đợt phát hành.
5. Lãi suất trái phiếu Chính phủ
a) Trái phiếu được phát hành theo lãi suất cố định, lãi suất thả nổi hoặc lãi suất chiết khấu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước.
b) Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên, mệnh giá phát hành trái phiếu Chính phủ là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.
Về lãi suất phát hành thì trái phiếu Chính phủ được phát hành theo lãi suất cố định, lãi suất thả nổi hoặc lãi suất chiết khấu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước. Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.
Đinh Thị Ngọc Huyền
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trái phiếu Chính phủ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?