Bên gây thiệt hại yêu cầu bên thiệt hại phải làm cam kết không nhận tiền bảo hiểm có đúng không?
Bên gây thiệt hại yêu cầu bên thiệt hại phải làm cam kết không nhận tiền bảo hiểm có đúng không?
Bên gây thiệt hại yêu cầu bên thiệt hại phải làm cam kết không nhận tiền bảo hiểm có đúng không, thì căn cứ theo Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Bồi thường thiệt hại
Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Và Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
...
Bên cạnh đó, tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
...
Theo quy định trên nếu hợp đồng vận chuyển giữa 2 bên ký kết có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại khi mất hàng thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Trường hợp trong hợp đồng không có thỏa thuận thì áp dụng theo Điều 584, 585 Bộ luật Dân sự 2015. Theo các quy định này thì bên vận chuyển gây mất hàng cho bên anh sẽ có trách nhiệm bồi thường toàn bộ.
Về việc làm bản cam kết hay không là do thỏa thuận giữa các bên, luật không có quy định trường hợp này. Bên vận chuyển yêu cầu bên anh làm cam kết có thể họ muốn xác định chính xác mức thiệt hại hiện có của bên anh, nếu bên anh đã được bồi thường phần nào đó rồi thì thiệt hại sẽ giảm, họ sẽ chi trả bồi thường ít hơn.
Cam kết không nhận tiền bảo hiểm (Hình từ Internet)
Gây thiệt hại về hàng hóa thì sẽ được bồi thường thiệt hại những khoản nào?
Gây thiệt hại về hàng hóa thì sẽ được bồi thường thiệt hại những khoản được quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP như sau:
(1) Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
Việc bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng căn cứ vào thỏa thuận của các bên, trường hợp không thỏa thuận được thì xác định thiệt hại như sau:
- Trường hợp tài sản là vật thì xác định thiệt hại đối với tài sản bị mất, bị hủy hoại căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Đối với tài sản là tiền thì thiệt hại được xác định là số tiền bị mất, bị hư hỏng.
Đối với giấy tờ có giá bị mất, bị hư hỏng mà không thể khôi phục được thì thiệt hại được xác định là giá trị của các giấy tờ bị mất, bị hư hỏng tại thời điểm giải quyết bồi thường. Trường hợp giấy tờ có giá bị mất, bị hư hỏng mà có thể khôi phục được thì thiệt hại được xác định là các chi phí cần thiết để khôi phục các giấy tờ đó.
- Đối với tài sản bị hư hỏng, thiệt hại là chi phí để sửa chữa, khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi bị hư hỏng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để xác định thiệt hại; nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định theo hướng dẫn nêu trên.
(2) Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút là hoa lợi, lợi tức mà người bị thiệt hại đang hoặc sẽ thu được nếu tài sản không bị mất, bị hư hỏng.
Hoa lợi, lợi tức được tính theo giá thực tế đang thu, nếu chưa thu thì theo giá thị trường cùng loại hoặc mức giá thuê trung bình 01 tháng của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định thiệt hại; đối với những tài sản trên thị trường không có cho thuê, hoa lợi, lợi tức được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 03 tháng liền kề do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm thiệt hại xảy ra.
(3) Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại là những chi phí thực tế, cần thiết tại thời điểm chi trong điều kiện bình thường cho việc áp dụng các biện pháp cần thiết làm cho thiệt hại không phát sinh thêm; sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản bị xâm phạm.
Ví dụ: T đã có hành vi làm cháy nhà của H. Chi phí dập tắt đám cháy là X đồng; chi phí sửa chữa, khôi phục lại nhà như tình trạng ban đầu là Y đồng. Trường hợp này, X đồng là chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Y đồng là chi phí khắc phục thiệt hại.
(4) Thiệt hại khác do luật quy định.
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa là bao lâu?
Thì theo Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Nguyễn Nhật Vy
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Gây thiệt hại có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Thời hạn phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư? Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà chung cư để đưa vào kế hoạch được xác định theo quy trình nào?
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?