Bói toán có phải mê tín dị đoan không? Livestream xem bói toán trên nền tảng Tiktok để nhận tiền của người xem có vi phạm pháp luật không?
Bói toán có phải mê tín dị đoan không?
Hiện nay, các văn bản pháp luật đều không có định nghĩa cụ thể về mê tín dị đoan. Tuy nhiên, mê tín dị đoan lại là một trong những hoạt động văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng bị nghiêm cấm theo điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP cụ thể:
Quy định cấm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng
Nghiêm cấm các hoạt động sau đây:
1. Các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa có nội dung:
a) Kích động nhân dân chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân;
b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, gây hại cho sức khỏe và hủy hoại môi trường sinh thái;
...
Và theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL có quy định như sau:
Quy định cấm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng
...
4. Hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá có nội dung mê tín dị đoan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác.
Như vậy, từ các quy định trên, có thể thấy, mê tín dị đoan là hành vi làm mê hoặc người khác, gây tác động xấu đến người khác và bị pháp luật nghiêm cấm (bao gồm hành vi xem bói).
Bói toán có phải mê tín dị đoan không? Livestream xem bói toán trên nền tảng Tiktok để nhận tiền của người xem có vi phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)
Livestream xem bói trên nền tảng Tiktok để nhận tiền của người xem có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Theo quy định, việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi là hành vi bị cấm.
Do đó, hành vi livestream xem bói toán trên nền tảng Tiktok để thu tiền của người xem cũng có thể được coi là hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Như vậy, có thể thấy nếu việc livestream xem bói không nhằm mục đích trục lợi, không gây hậu quả xấu thì sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật.
Người livestream xem bói toán trên nền tảng Tiktok có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi nào?
Căn cứ Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Tội hành nghề mê tín, dị đoan
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Theo đó, người livestream xem bói toán trên nền tảng Tiktok có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.
Có 2 khung hình phạt đối với người livestream xem bói phạm tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:
Khung 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2 Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Phạm Thị Thục Quyên
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Mê tín dị đoan có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Anh em họ hàng chung sống với nhau như vợ chồng bị phạt bao nhiêu? Giải quyết hậu quả việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thế nào?
- Mẫu Bản kiểm điểm Đảng viên của Bí thư đảng đoàn mới nhất? Tải mẫu ở đâu? Nội dung kiểm điểm của Bí thư đảng đoàn?
- Kỳ kế toán năm đầu tiên ngắn hơn 90 ngày thì có được cộng qua năm sau để tính thành một kỳ kế toán năm không?
- Mẫu đơn dự thầu hồ sơ mời sơ tuyển dịch vụ phi tư vấn qua mạng mới nhất là mẫu nào? Tải về ở đâu?
- Cơ sở dịch vụ photocopy có phải xuất trình hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động của cơ sở dịch vụ photocopy không?