Bom hàng online đã có cơ chế xử phạt hay chưa? Người bán hàng online cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Đặt hàng online có được xem là ký kết hợp đồng hay không?
Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Hơn nữa tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Từ quy định trên, có thể thấy, việc đặt hàng dù thông qua lời nói, văn bản hay đặt hàng trên mạng thông qua các website trung gian hoặc ở ngay trang web của chính nhãn hàng đó (đặt hàng online) thì đều là ký kết hợp đồng.
Bom hàng online, đã có cơ chế xử phạt hay chưa?
Bom hàng online liệu có vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng không?
Ngoài ra, nội dung hợp đồng nêu tại Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể như sau:
Nội dung của hợp đồng
1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
a) Đối tượng của hợp đồng;
b) Số lượng, chất lượng;
c) Giá, phương thức thanh toán;
d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
g) Phương thức giải quyết tranh chấp.
Do đó, khi người mua đặt hàng online nhưng bom hàng đã vi phạm về trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện nêu trong hợp đồng, giao dịch dân sự.
Liệu đã có cơ chế xử phạt đối với hành vi bom hàng online hay chưa?
Theo phân tích ở trên, có thể thấy hành vi “bom hàng” đã vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Do đó, nếu bom hàng online mà gây thiệt hại thì bên đặt hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra. Thiệt hại trong trường hợp này cụ thể là chi phí phát sinh do người mua không nhận hàng như: Chi phí kho bãi, bảo quản, vận chuyển hàng hóa…
Để được nhận tiền bồi thường thiệt hại, người bị bom hàng online có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. Như trong vụ việc nhà hàng bị bom 150 mâm cỗ vừa xảy ra mới đây, chủ nhà hàng có thể khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu đòi tiền bồi thường.
Tuy nhiên, đáng nói là, đây chỉ là một trường hợp hy hữu. Trong thực tế, việc bom hàng online thường xảy ra với các gói hàng có giá trị không lớn nên nhiều người không chọn phương án này.
Ngoài ra, theo quy định hiện nay, chưa có chế tài nào xử lý hành chính đối với người bom hàng. Đồng thời, đây chỉ là giao dịch dân sự nên không có căn cứ để quy trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.
Nói tóm lại, chưa có quy định cụ thể để xử lý hành vi bom hàng nên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bán nên thận trọng và lựa chọn các phương thức thanh toán sao cho có lợi nhất với mình.
Phạm Tiến Đạt
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giao dịch dân sự có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?