Các biện pháp xử lý tạm thời trong công tác phòng, chống rửa tiền là gì? Hành vi vi phạm các biện pháp tạm thời bị xử lý thế nào?
Theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, các biện pháp tạm thời áp dụng trong công tác phòng, chống rửa tiền hiện nay là:
Các biện pháp tạm thời áp dụng trong công tác phòng, chống rửa tiền
- Trì hoãn giao dịch;
- Phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản
Trì hoãn các giao dịch trong công tác phòng, chống rửa tiền
Căn cứ Điều 44 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định biện pháp trì hoãn giao dịch cụ thể như sau:
(1) Đối tượng báo cáo phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch trong các trường hợp sau đây:
- Khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen;
- Khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội, bao gồm: giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó; giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố;
- Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan.
(2) Khi thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
(3) Thời hạn áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu áp dụng.
(4) Đối tượng báo cáo không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hậu quả phát sinh khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch theo đúng quy định tại Điều này.
(5) Chính phủ quy định chi tiết điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản trong công tác phòng chống rửa tiền
Căn cứ quy định chi tiết tại Điều 23 Nghị định 116/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Nghị định 87/2019/NĐ-CP, biện pháp phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản trong công tác phòng chống rửa tiền được thực hiện như sau:
(1) Đối tượng báo cáo thực hiện phong tỏa tài khoản hoặc áp dụng biện pháp niêm phong, tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(2) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật thi hành án và pháp luật thanh tra có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản và chịu trách nhiệm về quyết định này.
(3) Việc phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản phải được thể hiện bằng văn bản, bao gồm các nội dung tối thiểu sau: Tên đối tượng báo cáo phải thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; tên đầy đủ của chủ tài khoản hoặc cá nhân, tổ chức liên quan đến tài sản bị niêm phong, tạm giữ; số tài khoản bị phong tỏa hoặc danh mục tài sản bị niêm phong, tạm giữ; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu và kết thúc phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; lý do yêu cầu thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; hoặc theo biểu mẫu trong tố tụng hình sự.
(4) Đối tượng báo cáo phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng văn bản ngay sau khi thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 116/2013/NĐ-CP.
(5) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 116/2013/NĐ-CP.
Vi phạm quy định áp dụng các biện pháp tạm thời trong hoạt động phòng, chống rửa tiền
Theo quy định tại Điều 45 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 29 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP hành vi vi phạm quy định về trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản; niêm phong hoặc tạm giữ tài sản bị xử lý như sau:
"1. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không báo cáo việc trì hoãn giao dịch khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Phòng, chống rửa tiền;
b) Không báo cáo việc thực hiện phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống rửa tiền;
c) Không báo cáo ngay khi thực hiện việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa tiền, tài sản liên quan đến tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 350.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống rửa tiền;
b) Không phong tỏa tài khoản, không áp dụng biện pháp niêm phong hoặc tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống rửa tiền;
c) Không thực hiện ngay việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc phải gửi lại báo cáo đầy đủ, chính xác đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”
Lưu ý: Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định này).
Như vậy, pháp luật đã có quy định cụ thể về trường hợp áp dụng các biện pháp tạm thời trong công tác phòng, chống rửa tiền, đồng thời nếu có hành vi vi phạm quy định khi áp dụng các biện pháp tạm thời nói trên thì cũng sẽ bị xử lý phù hợp theo quy định.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Rửa tiền có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?
- Trình độ chuẩn với giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trường đại học? Chế độ bồi dưỡng giờ giảng đối với giảng viên?
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?