Hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền gồm có những nội dung nào, được quy định trong văn bản nào?
Nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được quy định tại Điều 47 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, gồm:
- Trao đổi thông tin, tài liệu về phòng, chống rửa tiền.
- Xác định, phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền.
- Thực hiện tương trợ tư pháp và hợp tác trong dẫn độ tội phạm rửa tiền.
- Các nội dung hợp tác khác về phòng, chống rửa tiền.
Hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền
Cụ thể những hoạt động này được quy định tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP như sau:
Trao đổi thông tin, tài liệu về phòng, chống rửa tiền
Hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, tài liệu về phòng, chống rửa tiền được quy định tại Điều 27 Nghị định 116/2013/NĐ-CP như sau:
(1) Loại thông tin, tài liệu được trao đổi, cung cấp cho đối tác nước ngoài:
a) Văn bản quy phạm pháp luật, thông tin chung về cơ chế, chính sách trong công tác phòng, chống rửa tiền; thông tin chung về công tác phòng, chống rửa tiền trong từng lĩnh vực; thông tin về hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống rửa tiền;
b) Thông tin trong các báo cáo chính thức về việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc;
c) Thông tin, báo cáo trong khuôn khổ thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế và bản ghi nhớ mà Việt Nam đã tham gia ký kết;
d) Thông tin tổng hợp và chi tiết hỗ trợ cho quá trình xử lý các giao dịch đáng ngờ;
đ) Thông tin tổng hợp và chi tiết hỗ trợ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm;
e) Thông tin khác do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đầu mối tổng hợp trình Chính phủ quyết định.
(2) Hình thức trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu:
a) Thông tin, tài liệu và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nêu tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng thư điện tử (email), fax hoặc phương tiện điện tử khác;
b) Thông tin, tài liệu và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định tại điểm d, đ và e khoản 1 Điều này phải thực hiện bằng văn bản.
(3) Nội dung yêu cầu
a) Văn bản yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu ít nhất bao gồm các thông tin sau: Tên tổ chức, quốc gia được yêu cầu, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ email; tên tổ chức, quốc gia yêu cầu, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ email; thông tin cụ thể cần trao đổi, cung cấp; cơ sở, lý do yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; chủ thể, mục đích sử dụng thông tin, tài liệu được cung cấp; thời hạn yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; đặc điểm chi tiết vụ việc hỗ trợ cho việc xác định nơi lưu trữ thông tin, tài liệu cần trao đổi, cung cấp; bản sao chứng từ, chứng cứ hoặc phán quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu; tên, chức danh của người có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu, đóng dấu của tổ chức yêu cầu (nếu có);
b) Thư, fax yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin phải bao gồm các thông tin sau: Tên tổ chức, quốc gia được yêu cầu; tên tổ chức, quốc gia yêu cầu, địa chỉ, số fax, địa chỉ email; thông tin cụ thể cần trao đổi, cung cấp; cơ sở, lý do yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; chủ thể, mục đích sử dụng thông tin, tài liệu được cung cấp; thời hạn yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin; tên, chức danh của người ký văn bản yêu cầu.
(4) Yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin có thể bị từ chối trong các trường hợp sau:
a) Thông tin được yêu cầu trao đổi, cung cấp có thể gây tổn hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc lợi ích quan trọng khác của Việt Nam;
b) Thông tin được yêu cầu trao đổi, cung cấp không phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết và các quy định khác của pháp luật Việt Nam;
c) Yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin không có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều này.
(5) Cơ quan, tổ chức có quyền hợp tác quốc tế trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền:
a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền thực hiện hoặc làm đầu mối thực hiện trao đổi, cung cấp các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp hoặc hướng dẫn cơ quan có liên quan cung cấp thông tin tại điểm b, c khoản 1 Điều này;
c) Bộ Công an, Bộ Tư pháp tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện hoặc làm đầu mối thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;
d) Bộ, ngành, cơ quan khác thuộc Chính phủ tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin theo quy tại điểm a khoản 1 Điều này, đồng thời thông báo kịp thời bằng văn bản về nội dung, thời gian, các bên liên quan và các chương trình hợp tác quốc tế khác cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan quy định tại Điểm c Khoản này.
Xác định, phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền
Hợp tác quốc tế trong việc xác định và phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền được quy định tại Điều 28 Nghị định 116/2013/NĐ-CP như sau:
- Trình tự, thủ tục xác định, phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền thực hiện theo quy định của Luật tương trợ tư pháp, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Bộ luật Tố tụng hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Yêu cầu xác định và phong tỏa tài sản tại Việt Nam của người phạm tội rửa tiền ở nước ngoài phải đáp ứng các nội dung theo yêu cầu tại điểm a khoản 3 Điều 27 Nghị định 116/2013/NĐ-CP và được gửi đến Bộ Tư pháp kèm theo quyết định hoặc bản án của Tòa án tuyên cá nhân có tài sản được yêu cầu xác định và phong tỏa tại Việt Nam là người phạm tội rửa tiền.
Thực hiện tương trợ tư pháp và hợp tác trong dẫn độ tội phạm rửa tiền
Tương trợ tư pháp và hợp tác trong dẫn độ tội phạm rửa tiền được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định 116/2013/NĐ-CP như sau:
- Quy trình, thủ tục, phương thức tương trợ tư pháp trong phòng, chống rửa tiền được thực hiện theo Luật tương trợ tư pháp và Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với quốc gia khác.
- Quy trình, thủ tục, phương thức hợp tác trong dẫn độ tội phạm rửa tiền được thực hiện theo Luật tương trợ tư pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với quốc gia khác. Bộ Công an làm đầu mối thực hiện và yêu cầu hợp tác dẫn độ tội phạm rửa tiền.
Như vậy, các hoạt động trong công tác hỗ trợ quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện theo quy định cụ thể nêu trên.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Rửa tiền có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người phạm tội tự thú thì có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không? Người phạm tội tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự không?
- Con cháu có thể ủy nhiệm chăm sóc ông bà cho viện dưỡng lão khi ở xa không có điều kiện chăm sóc trực tiếp không?
- Khi nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới có cần phải báo cáo thông tin AE trong các thử nghiệm đa quốc gia mà Việt Nam tham gia không?
- Người theo học ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng được trang bị những kiến thức và kỹ năng gì? Ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng là gì?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh các loại pháo sẽ do cơ quan nào cấp?