Cách phân biệt 07 loại vạch kẻ đường thông dụng nhất? Hiệu lực của vạch kẻ đường được quy định thế nào?
Vạch kẻ đường là gì? Cách phân biệt 07 loại vạch kẻ đường thông dụng nhất?
Theo quy định tại Điều 52 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe.
Bên cạnh đó tại Điều 53 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 54/2019/TT-BGTVT quy định, dựa vào vị trí sử dụng, vạch kẻ đường được chia thành hai loại:
- Vạch trên mặt bằng (bao gồm vạch trên mặt đường: vạch dọc đường, ngang đường và những loại vạch khác)
- Vạch đứng.
Dưới đây là cách phân biệt 07 loại vạch kẻ đường thông dụng nhất theo hướng tại Phụ lục G Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT:
(1) Vạch đơn, liền nét, màu trắng:
Vạch này dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.
(2) Vạch đơn, đứt nét, màu trắng:
Vạch này dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Trong trường hợp này, xe được phép thực hiện việc chuyển làn đường qua vạch.
(3) Vạch kép (một vạch liền, một vạch đứt nét):
Dùng để phân chia các làn xe cùng chiều, xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được lấn làn hoặc đè lên vạch.
(4) Vạch đơn, đứt nét, màu vàng:
Dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều nhau. Xe được phép cắt qua để sử dụng làn ngược chiều từ cả hai phía.
(5) Vạch đơn, liền nét, màu vàng:
Dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.
(6) Vạch đôi song song, liền nét, màu vàng:
Dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều, xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.
(7) Vạch đôi song song, một vạch liền nét, một vạch đứt nét:
Dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều. Xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua và sử dụng làn ngược chiều khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được lấn làn hoặc đè lên vạch.
Vạch kẻ đường là gì? Cách phân biệt 07 loại vạch kẻ đường thông dụng nhất? (Hình từ Internet)
Hiệu lực của vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập và kết hợp với đèn tín hiệu?
Hiệu lực của vạch kẻ đường được quy định tại Điều 55 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 54/2019/TT-BGTVT, cụ thể như sau:
(1) Vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường.
(2) Vạch kẻ đường khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu, biển báo hiệu thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả vạch kẻ đường và đèn tín hiệu, biển báo hiệu theo thứ tự quy định tại Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 54/2019/TT-BGTVT. Cụ thể:
- Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
+ Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
+ Hiệu lệnh của đèn tín hiệu;
+ Hiệu lệnh của biển báo hiệu;
+ Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
- Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời. Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường.
Khi sử dụng, lựa chọn vạch kẻ đường phải đảm bảo yêu cầu gì?
Căn cứ Điều 52 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 54/2019/TT-BGTVT quy định chung đối với vạch kẻ đường như sau:
Quy định chung đối với vạch kẻ đường
...
52.4. Vạch kẻ đường phải bảo đảm cho xe chạy trên đường êm thuận, đảm bảo độ bám giữa lốp xe và mặt đường, không bị trơn trượt, không cao quá mặt đường 6 mm.
52.5. Khi sử dụng, lựa chọn vạch kẻ đường phải đảm bảo hợp lý về tổ chức giao thông đối với từng tuyến đường và căn cứ vào chiều rộng mặt đường phần xe chạy, tốc độ xe chạy, lưu lượng, phương tiện và người đi bộ tham gia giao thông để quyết định.
52.6. Đối với đường cao tốc, đường có tốc độ thiết kế ≥ 60 km/h và các đường có tốc độ V85 từ 80 km/h trở lên, vạch kẻ đường phải có vật liệu phản quang. Các loại đường khác, căn cứ theo khả năng tài chính và yêu cầu khác mà có thể sử dụng vật liệu phản quang.
Theo đó,khi sử dụng, lựa chọn vạch kẻ đường phải đảm bảo hợp lý về tổ chức giao thông đối với từng tuyến đường và căn cứ vào chiều rộng mặt đường phần xe chạy, tốc độ xe chạy, lưu lượng, phương tiện và người đi bộ tham gia giao thông để quyết định.
Lưu ý: Đối với đường cao tốc, đường có tốc độ thiết kế ≥ 60 km/h và các đường có tốc độ V85 từ 80 km/h trở lên, vạch kẻ đường phải có vật liệu phản quang. Các loại đường khác, căn cứ theo khả năng tài chính và yêu cầu khác mà có thể sử dụng vật liệu phản quang.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vạch kẻ đường có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viên chức Bộ Tư pháp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong bao nhiêu năm thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc?
- Mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước? Cách chấm điểm tiêu chí đánh giá?
- Đối tượng được hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp khi bị thu hồi đất theo Luật Đất đai mới?
- Mẫu bảng tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn sử dụng trong đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non?
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?