Cha mẹ vay nợ con cái có nghĩa vụ trả nợ thay không? Người vay nợ có được ủy quyền cho người khác trả nợ thay không?
Cha mẹ vay nợ con cái có nghĩa vụ trả nợ thay không?
Theo quy định pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể nào đề cập về nghĩa vụ trả nợ thay cho cha mẹ của con cái hay bắt buộc con cái phải trả nợ thay cho cha mẹ. Việc trả nợ thay cho cha mẹ là dựa trên sự tự nguyện của con.
Tuy nhiên, trường trường hợp con cái bảo lãnh khoản vay cho cha mẹ hoặc thừa kế tài sản từ cha mẹ thì con cái sẽ có nghĩa vụ trả nợ thay cho cha mẹ. Cụ thể như sau:
(1) Con cái bảo lãnh cho khoản vay của cha mẹ.
Theo Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bảo lãnh như sau:
Bảo lãnh
1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Như vậy, nếu con cái bảo lãnh khoản vay của cha mẹ thì khi đến thời hạn thỏa thuận mà cha mẹ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì con cái đã đứng ra bảo lãnh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho cha mẹ.
(2) Con trả nợ thay nếu nhận di sản thừa kế từ cha mẹ.
Căn cứ Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Theo đó, nếu con cái là người được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ thì phải có trách nhiệm trả nợ thay khoản nợ mà khi còn sống cha mẹ đã vay.
Lúc này, con cái sẽ dùng chính tài sản mình được hưởng thừa kế để trả nợ. Và lưu ý con cái chỉ phải trả nợ trong phạm vi giá trị tài sản được nhận thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Cha mẹ vay nợ con cái có nghĩa vụ trả nợ thay không? Người vay nợ có được ủy quyền cho người khác trả nợ thay không? (Hình từ Internet)
Người vay nợ có được ủy quyền cho người khác trả nợ thay không?
Theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Và tại Điều 283 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba như sau:
Thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba
Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Như vậy, người vay nợ có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho mình những phải được bên có quyền là chủ nợ đồng ý.
Lưu ý: Bên vay nợ dù đã ủy quyền những vẫn là người chịu trách nhiệm với bên cho vay nếu người được ủy quyền không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay nợ được quy định như thế nào?
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay nợ được quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:
(1) Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn. Nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
(2) Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
(3) Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
(4) Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
(5) Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015;
- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Nguyễn Bình An
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Nghĩa vụ trả nợ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?