Chủ doanh nghiệp tư nhân được phép thai khác những thông tin nào của khách hàng? Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân tự ý cung cấp thông tin khách hàng cho người khác có bị xử lý không?
- Chủ doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận những thông tin nào?
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền và nghĩa vụ như thế nào khi tiếp cận thông tin?
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có được phép sử dụng thông tin khách hàng hay không?
- Chủ doanh nghiệp tư nhân cung cấp thông tin khách hàng cho người khác khi chưa có sự đồng ý có bị xử lý không?
Chủ doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận những thông tin nào?
Theo Điều 5 Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định về thông tin doanh nghiệp được tiếp cận như sau:
"Điều 5. Thông tin công dân được tiếp cận
Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 Luật này; được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 Luật này."
Theo đó, thông tin chủ doanh nghiệp tư nhân không được tiếp cận được quy định như sau:
- Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật.
Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này.
- Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
Và thông tin chủ doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận có điều kiện bao gồm:
- Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý.
- Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.
- Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền và nghĩa vụ như thế nào khi tiếp cận thông tin?
Trong việc tiếp cận thông tin, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 8 Luật Tiếp cận thông tin 2016 như sau:
- Quyền khi tiếp cận thông tin:
+ Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời;
+ Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
- Nghĩa vụ khi tiếp cận thông tin:
+ Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;
+ Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp;
+ Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Chủ doanh nghiệp tư nhân có được phép sử dụng thông tin khách hàng hay không?
Căn cứ nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận thông tin được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Tiếp cận thông tin 2016 thì chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp và không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Bên cạnh đó, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
" Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Theo các quy định trên, chủ doanh nghiệp được phép sử dụng thông tin khách hàng khi đã nhận được sự đồng ý từ khách hàng và phải đảm bảo các nghĩa vụ trong việc sử dụng thông tin mà khách hàng đã cung cấp.
Chủ doanh nghiệp tư nhân cung cấp thông tin khách hàng cho người khác khi chưa có sự đồng ý bị xử lý như thế nào?
Chủ doanh nghiệp tư nhân cung cấp thông tin khách hàng cho người khác khi chưa có sự đồng ý có bị xử lý không?
Theo khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân như sau:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP là cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân.
Ngoài ra, đối với hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm theo khoản 3 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Do chủ doanh nghiệp tư nhân là cá nhân nên mức xử phạt trong trường hợp này là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Như vậy, chủ doanh nghiệp tư nhân được phép tiếp cận thông tin (trừ các thông tin không được tiếp cận) và tiếp cận có điều kiện đối với một số loại thông tin. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể được phép sử dụng thông tin mà khách hàng cung cấp trong trường hợp đã có sự đồng ý của khách hàng và phải đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân cung cấp thông tin khách hàng cho người khác nhưng chưa có sự đồng ý của khách hàng thì đối với hành vi này sẽ bị hình thức xử phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và buộc hủy bỏ thông tin cá nhân đã cung cấp.
Trần Thị Huyền Trân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Chủ hàng hóa xuất nhập khẩu là người khai hải quan đúng không? Gian lận thuế là hành vi bị nghiêm cấm đối với người khai hải quan?
- Việc bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động có được phép thực hiện trong ca làm việc không?
- Mẫu ý kiến nhận xét đảng viên dự bị của tổ chức đoàn thể nơi làm việc? Hướng dẫn ưu và khuyết điểm nhận xét đảng viên dự bị?
- Tổng hợp Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 mới nhất?
- Mẫu lời cảm ơn các cựu chiến binh Việt Nam 6 12 hay, ý nghĩa? Ngày này là ngày lễ lớn đúng không?