Chủ dự án phải trồng rừng thay thế nhưng không đủ điều kiện tự thực hiện thì có thể nhờ tổ chức khác trồng thay cho mình không?
- Chủ dự án phải trồng rừng thay thế nhưng không đủ điều kiện tự thực hiện thì có thể nhờ tổ chức khác trồng thay cho mình không?
- Hồ sơ đề nghị chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế gồm những thành phần nào?
- Trường hợp trồng rừng thay thế trên địa bàn thì cơ quan nhà nước chấp thuận đề nghị theo trình tự nào?
Chủ dự án phải trồng rừng thay thế nhưng không đủ điều kiện tự thực hiện thì có thể nhờ tổ chức khác trồng thay cho mình không?
Trường hợp chủ dự án phải trồng rừng thay thế nhưng không đủ điều kiện tự thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 25/2022/TT-BNNPTNT (Có hiệu lực từ 15/02/2023) như sau:
Quy định chung
1. Trồng rừng thay thế là việc trồng rừng mới trên diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hoặc trồng lại rừng trên diện tích rừng trông không thành rừng đã hoàn thành việc thanh lý rừng trong khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật, cụ thể:
a) Trường hợp tự trồng rừng thay thế: Chủ dự án thực hiện trồng rừng trên diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất;
b) Trường hợp không tự trồng rừng thay thế: Thực hiện trồng rừng trên đất chưa có rừng quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; trồng rừng sản xuất trên đất chưa có rừng do Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, đơn vị vũ trang quản lý; trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng đặc dụng, rừng trồng phòng hộ không thành rừng đã hoàn thành việc thanh lý rừng trồng theo quy định của pháp luật. Ưu tiên trồng rừng trên diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho rừng ven biển và rừng biên giới.
...
Theo đó, trường hợp chủ dự án phải trồng rừng thay thế nhưng không đủ điều kiện tự thực hiện thì:
- Thực hiện trồng rừng trên đất chưa có rừng quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; trồng rừng sản xuất trên đất chưa có rừng do Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, đơn vị vũ trang quản lý; trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng đặc dụng, rừng trồng phòng hộ không thành rừng đã hoàn thành việc thanh lý rừng trồng theo quy định của pháp luật.
- Ưu tiên trồng rừng trên diện tích đất chưa có rừng quy hoạch cho rừng ven biển và rừng biên giới.
Trước đây, chủ thể thực hiện trồng rừng thay thế được căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT (Hết hiệu lực từ 15/02/2023) như sau:
Quy định chung
...
2. Tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (sau đây viết chung là Chủ dự án) có nghĩa vụ phải trồng rừng thay thế.
a) Trường hợp Chủ dự án không có điều kiện tự trồng rừng thay thế thì thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để tổ chức trồng rừng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Theo đó, trường hợp chủ dự án không có điều kiện tự trồng rừng thay thế thì có thể thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế của mình bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để tổ chức trồng rừng.
Như vậy, bạn có thể thực hiện theo cách này trong trường hợp không thể tự mình trồng rừng thay thế theo quy định.
Chủ dự án không tự trồng rừng thay thế
Hồ sơ đề nghị chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế gồm những thành phần nào?
Hồ sơ đề nghị chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế gồm những thành phần quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 25/2022/TT-BNNPTNT (Có hiệu lực từ 15/02/2023) như sau:
Chủ dự án không tự trồng rừng thay thế
...
3. Hồ sơ gồm:
a) Bản chính văn bản đề nghị chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;
c) Bản sao các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
...
Trước đây, hồ sơ đề nghị chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế gồm những thành phần theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT (Hết hiệu lực từ 15/02/2023) sau:
- Thành phần hồ sơ, gồm:
- Văn bản của Chủ dự án đề nghị UBND cấp tỉnh chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế;
- Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Báo cáo về diện tích, hiện trạng rừng (theo mục đích sử dụng, nguồn gốc hình thành, chủ quản lý) dự kiến chuyển mục đích sử dụng; các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Trường hợp hồ sơ là bản bằng chữ nước ngoài phải có bản dịch ra tiếng Việt.
Trường hợp trồng rừng thay thế trên địa bàn thì cơ quan nhà nước chấp thuận đề nghị theo trình tự nào?
Trường hợp trồng rừng thay thế trên địa bàn thì cơ quan nhà nước chấp thuận đề nghị theo trình tự quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 4 Thông tư 25/2022/TT-BNNPTNT (Có hiệu lực từ 15/02/2023) như sau:
Chủ dự án không tự trồng rừng thay thế
...
4. Thời gian trả lời tính đầy đủ của thành phần hồ sơ:
a) Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay tính đầy đủ của thành phần hồ sơ cho chủ dự án và nêu rõ lý do;
b) Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tính đầy đủ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, thông báo bằng văn bản cho chủ dự án và nêu rõ lý do.
5. Chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 3 Điều này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, đơn vị vũ trang là chủ đầu tư đối với trường hợp trồng rừng thay thế trên diện tích đất được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, đơn vị vũ trang quản lý; giao Chi cục Kiểm lâm hoặc Ban quản lý dự án phát triển rừng cấp huyện là chủ đầu tư đối với trường hợp trồng rừng thay thế trên diện tích đất được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý;
b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được giao nhiệm vụ, chủ đầu tư lập dự toán, thiết kế gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự toán, thiết kế va thông báo bằng văn bản cho chủ dự án về thời gian, số tiền phải nộp để thực hiện trồng rừng thay thế;
d) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chủ dự án phải nộp đủ số tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế.
...
Trước đây, việc tiếp nhận hồ sơ và chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế được căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT (Hết hiệu lực từ 15/02/2023) như sau:
(1) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của Chủ dự án
a) Chủ dự án nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, e-mail, fax) 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến UBND cấp tỉnh nơi có diện tích đất trồng rừng thay thế;
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính: Các thành phần hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao chứng thực;
Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường mạng: Các thành phần hồ sơ phải được scan, chụp từ bản chính;
Chủ dự án chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đã nộp.
b) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, UBND cấp tỉnh tiếp nhận và hẹn ngày trả kết quả cho Chủ dự án ngay khi tiếp nhận hồ sơ;
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo cho Chủ dự án ngay khi nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp trực tiếp; bằng văn bản trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với trường hợp nộp bằng phương thức khác.
(2) Trình tự chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế trong trường hợp UBND cấp tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn
a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của Chủ dự án theo quy định tại khoản 1 Điều này, UBND cấp tỉnh xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Chủ dự án biết;
UBND cấp tỉnh quyết định đơn giá trồng rừng, tổng số tiền phải nộp, thời gian Chủ dự án phải hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế. Đơn giá trồng rừng thay thế được tính theo mức dự toán trồng rừng (phòng hộ, đặc dụng) trên địa bàn tỉnh tại thời điểm Chủ dự án đề nghị UBND cấp tỉnh chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế;
Đơn giá trồng rừng được xác định trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng; quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý đầu tư công trình lâm sinh; giá ngày công lao động, giá vật tư, cây giống tại địa phương.
b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày UBND cấp tỉnh ban hành văn bản chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, Chủ dự án nộp toàn bộ số tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với địa phương chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng).
c) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với địa phương chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng) tiếp nhận tiền trồng rừng thay thế theo văn bản chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của UBND cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế theo quy định.
d) Trường hợp Chủ dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với địa phương chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng) theo quy định tại điểm b, điểm c khoản này nhưng UBND cấp tỉnh không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế: trong thời hạn 12 tháng kể từ khi Chủ dự án nộp tiền, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với địa phương chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng) phải chuyển số tiền chưa sử dụng về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trồng rừng thay thế có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người theo học ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng được trang bị những kiến thức và kỹ năng gì? Ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng là gì?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh các loại pháo sẽ do cơ quan nào cấp?
- Hàng hóa thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư chuyển sang hàng hóa không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư có được nộp bổ sung chứng từ?
- Hợp đồng chìa khóa trao tay có phải là hợp đồng xây dựng không? Nội dung của hợp đồng chìa khóa trao tay gồm những gì?
- Trường hợp nào thì tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay? Đình chỉ thực hiện chuyến bay như thế nào?