Chuyển giao ngân hàng 0 đồng là gì? Phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được tổ chức thực hiện ra sao?
Chuyển giao ngân hàng 0 đồng là gì?
Hiện nay, theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và các văn bản hướng dẫn liên quan chưa có quy định định nghĩa về chuyển giao ngân hàng 0 đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế chuyển giao ngân hàng 0 đồng được hiểu là một biện pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp quản toàn bộ hoặc phần lớn cổ phần của ngân hàng đang gặp khó khăn với giá tượng trưng là 0 đồng.
Thông tin mang tính chất tham khảo!
Và theo Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt gồm một trong các phương án sau đây:
- Phương án phục hồi;
- Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp;
- Phương án chuyển giao bắt buộc;
- Phương án giải thể;
- Phương án phá sản.
Trong đó, phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển giao.
Chuyển giao ngân hàng 0 đồng là gì? Phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được tổ chức thực hiện ra sao? (Hình từ Internet)
10 Nội dung chủ yếu trong phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt là gì?
Căn cứ theo Điều 181 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về nội dung phương án chuyển giao bắt buộc:
Theo đó, phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
(1) Thông tin về bên nhận chuyển giao bắt buộc;
(2) Phương án tăng vốn điều lệ và thời hạn thực hiện;
(3) Phương án hoạt động kinh doanh phù hợp với thực trạng của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt trong từng giai đoạn;
(4) Phương án về cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành;
(5) Phương án xử lý tồn tại, yếu kém, nợ xấu, tài sản bảo đảm;
(6) Phương án xử lý tiền gửi của khách hàng là pháp nhân, tiền gửi và tiền vay của tổ chức tín dụng khác; phương án xử lý khoản vay đặc biệt đã vay, bao gồm cả khoản vay đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều 162 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
(7) Phương án xử lý cổ phần, phần vốn góp của bên nhận chuyển giao bắt buộc tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn theo quy định tại Điều 186 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
(8) Biện pháp hỗ trợ quy định tại Điều 182 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
(9) Lộ trình tuân thủ quy định tại các điều 136, 137, 138 và khoản 3 Điều 144 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
(10) Lộ trình, thời hạn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.
Việc tổ chức thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt được quy định ra sao?
Việc tổ chức thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt được quy định cụ thể tại Điều 183 Luật Các tổ chức tín dụng 2024:
- Ngân hàng Nhà nước quyết định chuyển giao bắt buộc và phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc.
Kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt.
- Ngân hàng Nhà nước quyết định ghi giảm toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế tương ứng.
- Quyết định chuyển giao bắt buộc bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên bên nhận chuyển giao bắt buộc; tên ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc trước và sau chuyển giao bắt buộc; hình thức pháp lý, vốn điều lệ, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;
+ Việc chấm dứt toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;
+ Trách nhiệm của bên nhận chuyển giao bắt buộc và ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt và theo quy định của pháp luật.
- Bên nhận chuyển giao bắt buộc thực hiện các nội dung sau đây:
+ Thực hiện quyền của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc;
+ Thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
- Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc phải thực hiện các nội dung sau đây:
+ Thực hiện các thủ tục thay đổi Giấy phép;
+ Thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
- Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc, bao gồm cả việc gia hạn thời hạn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.
- Trường hợp sửa đổi, bổ sung biện pháp cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm trong phương án chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung đó.
- Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
- Trường hợp hết thời hạn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc mà ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt không khắc phục được tình trạng dẫn đến đặt vào kiểm soát đặc biệt thì Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Nguyễn Bình An
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Phương án chuyển giao bắt buộc có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công đoàn Việt Nam là tổ chức gì? Thành viên hợp danh của công ty hợp danh được kết nạp vào Công đoàn Việt Nam không?
- Mục đích của đổi mới công nghệ là gì? 04 mục tiêu của chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia là gì?
- Content về ngày 20 11 sáng tạo, thu hút? Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 thứ mấy, ngày mấy âm lịch?
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?