Có bao nhiêu trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính? Trình tự, thủ tục thực hiện thế nào?
Có bao nhiêu trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính?
Tạm giữ người là một biện pháp được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 142/2021/NĐ-CP thì việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong 5 trường hợp dưới đây:
(1) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
(2) Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
(3) Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
(4) Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
(5) Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Khi bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giữ theo thủ tục hành chính, người bị tạm giữ cần lưu ý một số thông tin sau đây để bảo vệ quyền lợi cho mình:
(1) Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.
Pháp luật nghiêm cấm việc tạm giữ người không có quyết định bằng văn bản.
(2) Người bị tạm giữ có thể yêu cầu người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập của họ biết.
(3) Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ.
Trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ.
Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì sẽ được chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.
(4) Trong thời gian bị tạm giữ, được bảo đảm chế độ ăn uống; điều trị, chăm sóc y tế khi bị bệnh.
Có bao nhiêu trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục tạm giữ người theo thủ tục hành chính
(1) Khi có đủ căn cứ tạm giữ người và xét thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính ra ngay quyết định tạm giữ người.
(2) Quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính được lập thành hai bản, một bản giao cho người bị tạm giữ, một bản lưu vào hồ sơ tạm giữ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 142/2021/NĐ-CP thì quyết định tạm giữ người phải ghi rõ các nội dung sau:
- Số quyết định; giờ, phút, ngày, tháng, năm ra quyết định;
- Họ, tên, cấp bậc (nếu có), chức vụ, cơ quan, đơn vị của người ra quyết định;
- Căn cứ ra quyết định tạm giữ, điều, khoản văn bản pháp luật được áp dụng; lý do tạm giữ;
- Họ tên, ngày, tháng năm sinh, nơi sinh, nơi đăng ký thường trú (hoặc tạm trú), nghề nghiệp, nơi công tác, học tập, số định danh cá nhân, số Căn cước công dân (hoặc số Chứng minh nhân dân) của người bị tạm giữ;
Họ tên cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị tạm giữ (nếu người bị tạm giữ là người chưa thành niên);
- Quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu (nếu người bị tạm giữ là người nước ngoài);
- Thời hạn tạm giữ (tạm giữ trong thời gian bao lâu; bắt đầu từ thời điểm nào); nơi tạm giữ;
- Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về việc ra quyết định tạm giữ và việc thực hiện biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật;
- Chữ ký, dấu cơ quan của người ra quyết định tạm giữ.
Lưu ý: Trường hợp người bị tạm giữ không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền mà không phải do trở ngại khách quan hoặc trường hợp bất khả kháng thì có thể bị áp giải.
(3) Tiếp nhận người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
Người được giao nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý người bị tạm giữ phải:
- Kiểm tra, đối chiếu quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính với người bị tạm giữ hành chính.
- Kiểm tra, ghi nhận tình trạng sức khỏe của người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
- Kiểm tra tư trang, đồ vật của người bị tạm giữ được phép mang theo;
Phổ biến quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ; nội quy nơi tạm giữ và những quy định khác có liên quan.
- Vào Sổ theo dõi người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
Nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Theo quy định tại khoản 5 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi điểm c khoản 61 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) thì nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính bao gồm:
- Trụ sở cơ quan, đơn vị nơi làm việc của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người vi phạm hành chính.
Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc.
- Đối với trường hợp tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy thì nơi tạm giữ là khu lưu giữ tạm thời tại cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính.
- Đối với tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga thì tùy theo điều kiện và đối tượng vi phạm cụ thể, người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu quyết định nơi tạm giữ và phân công người thực hiện việc tạm giữ.
Pháp luật nghiêm cấm việc giữ người vi phạm hành chính trong các phòng tạm giữ, phòng tạm giam hình sự hoặc những nơi không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người bị tạm giữ.
Nguyễn Thị Hậu
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Người bị tạm giữ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?