Cổ đông công ty là tổ chức thì có thể cử nhiều người đại diện theo ủy quyền được không? Cán bộ, công chức, viên chức thì có được làm người đại diện?
- Cổ đông công ty là tổ chức thì có thể cử nhiều người đại diện theo ủy quyền được không?
- Cán bộ, công chức, viên chức thì có được làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông công ty là tổ chức hay không?
- Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của cổ đông công ty là tổ chức có hiệu lực kể từ thời điểm nào?
Cổ đông công ty là tổ chức thì có thể cử nhiều người đại diện theo ủy quyền được không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức
1. Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.
2. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc cử người đại diện theo ủy quyền thực hiện theo quy định sau đây:
a) Tổ chức là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền;
b) Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền.
3. Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức cử nhiều người đại diện theo ủy quyền thì phải xác định cụ thể phần vốn góp, số cổ phần cho mỗi người đại diện theo ủy quyền. Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty không xác định phần vốn góp, số cổ phần tương ứng cho mỗi người đại diện theo ủy quyền thì phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho tất cả người đại diện theo ủy quyền.
...
Như vậy, cổ đông công ty là tổ chức thì được phép cử nhiều người đại diện theo ủy quyền.
Khi cử nhiều người đại diện theo ủy quyền cần lưu ý phải xác định cụ thể phần vốn góp, số cổ phần cho mỗi người đại diện theo ủy quyền.
Trường hợp chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty không xác định phần vốn góp, số cổ phần tương ứng cho mỗi người đại diện theo ủy quyền thì phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho tất cả người đại diện theo ủy quyền.
Cổ đông công ty là tổ chức thì có thể cử nhiều người đại diện theo ủy quyền được không? Cán bộ, công chức, viên chức thì có được làm người đại diện? (Hình từ Internet)
Cán bộ, công chức, viên chức thì có được làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông công ty là tổ chức hay không?
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức
...
5. Người đại diện theo ủy quyền phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;
b) Thành viên, cổ đông là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này không được cử người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện tại công ty khác;
c) Tiêu chuẩn và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.
Dẫn chiếu đến quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
...
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng không được làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông công ty là tổ chức.
Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của cổ đông công ty là tổ chức có hiệu lực kể từ thời điểm nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức
...
4. Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền phải được thông báo cho công ty và chỉ có hiệu lực đối với công ty kể từ ngày công ty nhận được văn bản. Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông;
b) Số lượng người đại diện theo ủy quyền và tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tương ứng của mỗi người đại diện theo ủy quyền;
c) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân từng người đại diện theo ủy quyền;
d) Thời hạn ủy quyền tương ứng của từng người đại diện theo ủy quyền; trong đó ghi rõ ngày bắt đầu được đại diện;
đ) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông và của người đại diện theo ủy quyền.
...
Như vậy, văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của cổ đông công ty là tổ chức phải được thông báo cho công ty và chỉ có hiệu lực đối với công ty kể từ ngày công ty nhận được văn bản.
Nguyễn Bình An
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Cổ đông công ty có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?