Có phải quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động hay không?
- Người sử dụng lao động có phải xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay không?
- Có bắt buộc phải quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động hay không?
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có phải giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc không?
Người sử dụng lao động có phải xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động:
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
...
2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
c) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
d) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Như vậy, người sử dụng lao động có nghĩa vụ xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo quy định.
Có bắt buộc phải quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động hay không?
Căn cứ tại Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc:
Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc
1. Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
b) Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
c) Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;
d) Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
đ) Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.
2. Các quy định của người sử dụng lao động về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phải bảo đảm các nguyên tắc:
a) Nhanh chóng, kịp thời;
b) Bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Như vậy, người sử dụng lao động phải quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động.
Có bắt buộc phải quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động hay không? (Hình từ Internet)
Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có phải giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc:
Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc
...
3. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm:
a) Tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
b) Cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đang bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục;
c) Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
4. Khuyến khích người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lựa chọn nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc để tiến hành thương lượng tập thể.
Như vậy, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Phan Thanh Thảo
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng hợp mẫu Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở? Thực hiện dân chủ ở cơ sở là gì?
- Gia hạn thời hạn cho thuê nhà là tài sản công không sử dụng để ở có phải thực hiện thủ tục niêm yết giá không?
- Mẫu Quy chế chi tiêu nội bộ công đoàn cơ sở? Bộ máy quản lý tài chính công đoàn cơ sở bao gồm những gì?
- Tổ chức quản lý kinh doanh nhà là tài sản công không sử dụng để ở phải thực hiện đánh giá lại hiện trạng nhà hàng năm đúng không?
- Đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng có phải làm kiểm điểm cuối năm không? Có được dự đại hội đảng viên?