Con bị mất năng lực hành vi dân sự thì bố mẹ được bán tài sản là căn nhà đang đứng tên con không?
Một người được xem là mất năng lực hành vi dân sự khi nào?
Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 về mất năng lực hành vi dân sự như sau:
Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Theo đó, một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Bán tài sản (Hình từ Internet)
Cha mẹ có phải người giám hộ đương nhiên của con thành niên mất năng lực hành vi dân sự không?
Căn cứ Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Theo quy định trên, trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự đã có vợ/chồng/con thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự là vợ/chồng/con của người này.
Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ đương nhiên của người này.
Con bị mất năng lực hành vi dân sự thì bố mẹ được bán tài sản là căn nhà đang đứng tên con không?
Theo Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của người giám hộ như sau:
Quyền của người giám hộ
1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:
a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;
b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;
c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
2. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền theo quyết định của Tòa án trong số các quyền quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có những quyền được quy định tại khoản 1 Điều 58 nêu trên.
Trong đó có quyền đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Đối với trường hợp của chị, do con chị đã thành niên và bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng lại chưa lập gia đình (chưa có vợ, con) nên lúc này, chị và chồng chị sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên của con chị.
Do đó, chị và chồng chị có thể đại diện cho con mất năng lực hành vi dân sự để tham gia các giao dịch bao gồm việc bán tài sản là căn nhà nhằm mục đích chăm sóc, chữa bệnh cho con.
Trần Thị Tuyết Vân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Mất năng lực hành vi dân sự có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tổng biên chế của hệ thống chính trị được quyết định theo nhiệm kỳ nào? Nội dung quản lý biên chế?
- Mẫu số 3A lập báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu qua mạng là mẫu nào? Báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu gồm những gì?
- Phương pháp sát hạch giấy phép lái xe quân sự từ 1/1/2025 theo Thông tư 68 mới nhất như thế nào?
- Người lao động có được bồi dưỡng bằng hiện vật khi làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm không?
- Anh em họ hàng xa có yêu nhau được không? Anh em họ hàng xa yêu nhau có vi phạm pháp luật không?