Công an huyện được phép xây dựng kho vật chứng để phục vụ công tác điều tra, truy tố các vụ án hình sự ở địa phương mình hay không?
- Công an huyện được phép xây dựng kho vật chứng để phục vụ công tác điều tra, truy tố các vụ án hình sự ở địa phương mình hay không?
- Trách nhiệm của người quản lý kho vật chứng được quy định như thế nào?
- Trường hợp vật chứng thu giữ được là thực phẩm thì sẽ được bảo quản trong kho vật chứng như thế nào?
Công an huyện được phép xây dựng kho vật chứng để phục vụ công tác điều tra, truy tố các vụ án hình sự ở địa phương mình hay không?
Công an huyện được phép xây dựng kho vật chứng để phục vụ công tác điều tra, truy tố các vụ án hình sự ở địa phương mình hay không?
Căn cứ Điều 4 Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định 18/2002/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 70/2013/NĐ-CP có quy định như sau:
“Điều 4.
1. Mỗi Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, mỗi Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xây dựng một kho vật chứng; ở Bộ Công an được xây dựng hai kho vật chứng (một ở phía Bắc và một ở phía Nam) để phục vụ công tác điều tra, truy tố các vụ án hình sự.
2. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thành lập, quy mô, tiêu chuẩn xây dựng kho vật chứng và quy định nội quy kho vật chứng trong Công an nhân dân.”
Theo đó, mỗi công an huyện sẽ được phép xây dựng một kho vật chứng để tiếp nhận, quản lý, bảo quản vật chứng, đồ vật, tài liệu khác thu thập được của các vụ án mà mình xử lý. Việc thành lập, quy mô, tiêu chuẩn xây dựng kho vật chứng nói trên và quy định nội quy kho vật chứng của Công an huyện sẽ do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Trách nhiệm của người quản lý kho vật chứng được quy định như thế nào?
Căn cứ quy định bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 70/2013/NĐ-CP cụ thể như sau:
“Điều 6a. Biên chế kho vật chứng
1. Biên chế kho vật chứng bao gồm thủ kho vật chứng và bảo vệ kho vật chứng.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của thủ kho vật chứng được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy chế này; nhiệm vụ, quyền hạn của bảo vệ kho vật chứng do thủ trưởng cơ quan quản lý kho vật chứng quy định. Thủ kho, bảo vệ kho vật chứng được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Quy chế này.”
Theo đó, trách nhiệm của người quản lý kho vật chứng bao gồm trách nhiệm của thủ kho vật chứng và thủ trưởng cơ quan quản lý kho vật chứng, cụ thể như sau:
(1) Trách nhiệm của thủ kho vật chứng: quy định chi tiết tại Điều 10 Thông tư 131/2014/TT-BQP
- Thực hiện việc lưu giữ, bảo quản vật chứng trong kho đúng quy trình kỹ thuật theo nguyên tắc, tiêu chuẩn quy định của pháp luật và ngành quân khí;
- Thực hiện việc niêm phong, dán nhãn vật chứng, ghi rõ tên của vụ án, cơ quan gửi vật chứng của vụ án, bảo quản riêng biệt, tránh nhầm lẫn;
- Thực hiện xuất kho, nhập kho đối với vật chứng theo lệnh;
- Ghi chép đầy đủ vào sổ kho và lập phiếu nhập kho hoặc phiếu xuất kho trong đó ghi rõ giờ, ngày, tháng năm nhập, xuất; họ tên, chức vụ của người ra lệnh nhập kho hoặc lệnh xuất kho và của người giao, người nhận; lý do nhập, xuất; chủng loại, số lượng, đặc điểm, tình trạng của vật chứng;
- Phiếu nhập kho hoặc phiếu xuất kho được lập thành hai bản, có chữ ký của bên giao, bên nhận và mỗi bên giữ một bản;
- Báo cáo ngay với chỉ huy kho khi phát hiện vật chứng bị mất mát, xâm phạm, chiếm đoạt, hư hỏng.
- Hằng năm, Thủ kho vật chứng phải tiến hành kiểm kê kho và báo cáo kết quả kiểm kê với cơ quan quản lý kho vật chứng vào ngày 25 tháng 6 và ngày 25 tháng 12.
(2) Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý kho vật chứng: quy định tại khoản 2 Điều 7 Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định 18/2002/NĐ-CP
- Theo dõi, kiểm tra, giám sát và tiến hành các hoạt động quản lý khác đối với hoạt động của kho vật chứng;
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị hữu quan tổ chức di chuyển khẩn cấp vật chứng, đồ vật, tài liệu khác trong kho đến nơi an toàn trong trường hợp thiên nhiên hoặc con người đe doạ sự an toàn của kho vật chứng;
- Yêu cầu chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân hỗ trợ bảo vệ kho vật chứng trong trường hợp cần thiết;
- Thông báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát cùng cấp trong các trường hợp vật chứng, đồ vật, tài liệu khác trong kho bị mất mát, xâm phạm, chiếm đoạt.
- Xác định nguyên nhân vật chứng, đồ vật, tài liệu khác trong kho bị hư hỏng và báo cáo bằng văn bản cho cơ quan thụ lý vụ án;
- Đề nghị cơ quan có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ về người, chuyên môn nghiệp vụ để bảo quản vật chứng, đồ vật, tài liệu thuộc chuyên ngành;
- Yêu cầu cơ quan thụ lý vụ án xử lý ngay vật chứng, đồ vật, tài liệu khác trong kho khi có dấu hiệu hư hỏng, nguy cơ hư hỏng hoặc đe doạ sự an toàn của kho vật chứng, môi trường, con người, tài sản.
Trường hợp vật chứng thu giữ được là thực phẩm thì sẽ được bảo quản trong kho vật chứng như thế nào?
Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 8 Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định 18/2002/NĐ-CP, trường hợp vật chứng là thực phẩm được quy định như sau:
"Điều 8.
1. Tất cả vật chứng, đồ vật, tài liệu khác thu thập được của các vụ án phải được lưu giữ, bảo quản tại kho vật chứng, trừ những trường hợp sau đây :
..
đ) Vật thuộc loại mau hỏng, không thể bảo quản lâu tại kho vật chứng (như lương thực, thực phẩm tươi sống, dược phẩm, dược liệu ...), được chuyển cho cơ quan chức năng để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật."
Theo đó, khi xác định thực phẩm là vật chứng nói trên thuộc loại tươi sống, dễ hỏng, không thể bảo quản lâu tại kho vật chứng, công an sẽ chuyển số vật chứng này cho cơ quan chức năng để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật, không lưu giữ lâu tại kho vật chứng.
Như vậy, mỗi công an huyện sẽ được phép xây dựng một kho vật chứng để tiếp nhận, quản lý, bảo quản vật chứng, đồ vật, tài liệu khác thu thập được của các vụ án mà mình xử lý. Để quản lý kho vật chứng, pháp luật hiện hành quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền hạn của thủ kho vật chứng và thủ trưởng cơ quan quản lý kho vật chứng để có thể thực hiện một cách chính xác nhất. Trường hợp vật chứng là những lương thực, thực phẩm tươi sống, dược phẩm, dược liệu ... thuộc loại mau hỏng, không thể bảo quản lâu tại kho vật chứng thì sẽ được chuyển cho cơ quan chức năng để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vật chứng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đua xe trái phép gây chết người có thể bị phạt tù đối với những tội nào? Con cái đua xe gây chết người thì cha mẹ giao xe có bị truy cứu hình sự?
- Trình độ chuẩn với giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trường đại học? Chế độ bồi dưỡng giờ giảng đối với giảng viên?
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?