Công chứng viên là gì? Người đang là tiến sĩ luật có phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng bao nhiêu tháng?
Công chứng viên là gì?
Tại Điều 2 Luật Công chứng 2014 có định nghĩa về công chứng viên như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
2. Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
3. Người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật này.
4. Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật này.
5. Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo đó công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định pháp luật, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
Công chứng viên sẽ thực hiện chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt đối mà pháp luật quy định phải công chứng theo yêu cầu của một cá nhân, tổ chức.
Công chứng viên là gì? Người đang là tiến sĩ luật có phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng bao nhiêu tháng? (Hình từ Internet)
Có thời gian công tác pháp luật bao lâu mới đủ tiêu chuẩn trở thành công chứng viên?
Căn cứ Điều 8 Luật Công chứng 2014 quy định về tiêu chuẩn của công chứng viên như sau:
Tiêu chuẩn công chứng viên
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:
1. Có bằng cử nhân luật;
2. Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
3. Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;
4. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
5. Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
Theo đó phải có thời gian công tác pháp luật 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức mới đủ tiêu chuẩn trở thành công chứng viên.
Ngoài ra công chứng viên còn có các tiêu chuẩn khác như tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng, đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng và phải đảm bảo sức khỏe để hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật.
Người đang là tiến sĩ luật có phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề công chứng bao nhiêu tháng?
Căn cứ theo Điều 10 Luật Công chứng 2014 quy định về việc miễn đào tạo nghề công chứng như sau:
Miễn đào tạo nghề công chứng
1. Những người sau đây được miễn đào tạo nghề công chứng:
a) Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;
b) Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên;
c) Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;
d) Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
2. Người được miễn đào tạo nghề công chứng quy định tại khoản 1 Điều này phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Thời gian bồi dưỡng nghề công chứng là 03 tháng.
Người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng.
3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo đó, tiến sĩ luật được đào tạo nghề công chứng. tuy nhiên người được miễn đào tạo nghề công chứng phải tham gia lớp bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng, thời gian bồi dưỡng là 03 tháng.
Sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng, cá nhân sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng.
Lê Văn Tài
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công chứng viên có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công đoàn Việt Nam là tổ chức gì? Thành viên hợp danh của công ty hợp danh được kết nạp vào Công đoàn Việt Nam không?
- Mục đích của đổi mới công nghệ là gì? 04 mục tiêu của chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia là gì?
- Content về ngày 20 11 sáng tạo, thu hút? Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 thứ mấy, ngày mấy âm lịch?
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?