Công tác chuẩn bị khoan thăm dò nước dưới đất được thực hiện thế nào? Công tác kết thúc khoan gồm những nội dung nào?
Công tác chuẩn bị khoan thăm dò nước dưới đất được thực hiện thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Thông tư 59/2015/TT-BTNMT quy định về công tác chuẩn bị khoan như sau:
Công tác chuẩn bị và kết thúc khoan
1. Công tác chuẩn bị:
a) Nhận nhiệm vụ, hồ sơ yêu cầu và khảo sát thực địa;
b) Đối với các lỗ khoan có chiều sâu >300m phải lập phương án kỹ thuật thi công khoan theo thiết kế được duyệt; bố cục phương án kỹ thuật thi công khoan được quy định tại Phụ lục 01 Thông tư này;
c) Làm nền, đường, gia cố nền khoan, đào hố dung dịch, hố móng;
d) Tập kết, vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư và nhân lực đến công trình; lắp ráp tháp khoan, thiết bị khoan bơm, hệ thống chiếu sáng, an toàn; gia công dung dịch khoan và vật liệu chèn, trám;
đ) Xây dựng phương án cấp nước phục vụ khoan và các biện pháp phụ trợ khác;
e) Liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề liên quan đến quá trình thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
...
Theo đó, công tác chuẩn bị khoan thăm dò nước dưới đất được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 nêu trên.
Khoan thăm dò nước dưới đất (Hình từ Internet)
Công tác khoan thăm dò nước dưới đất được thực hiện thế nào?
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BTNMT về công tác khoan như sau:
Công tác khoan
1. Khoan mở lỗ
Sử dụng bộ ống mẫu có chiều dài không quá 0,7m; áp dụng chế độ, thông số kỹ thuật khoan nhỏ nhất để đảm bảo định tâm lỗ khoan theo thiết kế; chiều sâu khoan mở lỗ từ 3m - 3,5 m.
2. Chống ống định hướng:
a) Chống ống định hướng phải được thực hiện ngay sau khi kết thúc khoan mở lỗ; ống định hướng phải được gia cố, làm chắc; chân ống được đặt trong tầng đất đá ổn định, vững chắc.
b) Trường hợp đất đá dưới chân ống chưa ổn định thì tiến hành chống ống định hướng tạm thời, sau đó tiếp tục khoan đến tầng đất đá ổn định, vững chắc mới được dừng lại để tiến hành chống ống định hướng.
3. Khoan phát triển chiều sâu:
a) Trong đất đá mềm, liên kết yếu, độ cứng theo bảng phân cấp khoan từ cấp I đến VII, sử dụng ống mẫu nòng đơn, lưỡi khoan hợp kim, chế độ khoan áp dụng như sau:
- Tốc độ vòng quay từ 90 vòng/phút đến 290 vòng/phút;
- Áp lực đáy từ 640 kg đến 1200 kg;
- Lưu lượng nước rửa từ 130 lít/phút đến 200 lít/phút.
Trường hợp đất đá khó lấy mẫu phải sử dụng bộ ống mẫu nòng đôi với hiệp khoan ngắn.
b) Trong đất đá ổn định, cứng chắc, độ cứng theo bảng phân cấp khoan từ cấp VII đến XII, sử dụng ống mẫu nòng đơn, lưỡi khoan kim cương, chế độ khoan áp dụng như sau:
- Tốc độ vòng quay từ 150 vòng/phút đến 380 vòng/phút;
- Áp lực đáy từ 640 kg đến 960 kg;
- Lưu lượng nước rửa từ 90 lít/phút đến 130 lít/phút.
c) Khi dự án không yêu cầu lấy mẫu đất đá, sử dụng choòng khoan có gắn bộ phận định tâm để khoan phá mẫu toàn đáy.
4. Khi phải khoan mở rộng đường kính lỗ khoan, sử dụng choòng khoan có gắn bộ phận định tâm hoặc bộ ống mẫu chuyên dụng với chế độ khoan áp dụng như sau: Tốc độ vòng quay số 1 của máy, áp lực đáy giảm xuống hai lần so với khoan bình thường, lưu lượng nước rửa nhỏ nhất của máy bơm.
5. Chống ống và các yêu cầu kỹ thuật chống ống lỗ khoan:
a) Dựa vào thiết kế, địa tầng thực tế lỗ khoan để xác định vị trí, chiều dài cột ống chống, ống lọc và phương pháp nối ống bằng ren, hàn hoặc keo dính;
b) Lỗ khoan phải được làm sạch đáy trước khi chống ống, chiều sâu đảm bảo đặt hết được chiều dài cột ống chống, ống lọc theo thiết kế;
...
6. Bơm rửa làm sạch lỗ khoan:
a) Trước và sau khi đặt cột ống chống, ống lọc phải sử dụng máy bơm bùn, máy khoan kết hợp với ống slam để bơm rửa làm sạch mùn khoan trong lỗ khoan;
b) Quá trình bơm rửa chỉ kết thúc khi nước rửa đi ra từ miệng lỗ khoan đã trong, khi dừng bơm thả được bộ dụng cụ khoan xuống sát đáy lỗ khoan.
Theo đó, công tác khoan thăm dò nước dưới đất được thực hiện theo quy định tại Điều 9 nêu trên.
Công tác kết thúc khoan thăm dò nước dưới đất gồm những nội dung nào?
Theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 59/2015/TT-BTNMT quy định về công tác kết thúc khoan như sau:
Công tác chuẩn bị và kết thúc khoan
...
2. Công tác kết thúc khoan chỉ thực hiện sau khi đã hoàn thành các yêu cầu kỹ thuật và được chủ nhiệm đề án (dự án) quyết định. Nội dung công tác kết thúc khoan gồm:
a) Bơm rửa, làm sạch lỗ khoan;
b) Lập biên bản kết thúc lỗ khoan;
c) Lấp lỗ khoan trong trường hợp không tiến hành quan trắc động thái nước dưới đất;
d) Gia công, làm chắc miệng ống chống trong trường hợp lắp đặt thiết bị quan trắc lâu dài;
đ) Xử lý mẫu lõi khoan theo thiết kế được duyệt; lập, hoàn chỉnh hồ sơ tài liệu chính thức của lỗ khoan;
e) Hoàn trả mặt bằng thi công khoan theo quy định của pháp luật;
g) Tháo dỡ, vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư ra khỏi hiện trường.
Như vậy, công tác kết thúc khoan thăm dò nước dưới đất gồm những nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 7 nêu trên.
Trần Thị Tuyết Vân
Đặt câu hỏi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Nước dưới đất có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tục cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo Thông tư 55/2024 như thế nào?
- Phương pháp tính hao mòn của tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Thông tư 74/2024?
- Khu vực nào phải xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn?
- Cơ quan thu ngân sách nhà nước là cơ quan nào? Cơ quan thu ngân sách nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
- Cách viết bản kiểm điểm Đảng viên năm 2024 mẫu 02A và 02B chi tiết từng mục như thế nào? Tải mẫu 02A và 02B ở đâu?