Công ty ép người lao động xét nghiệm HIV có vi phạm pháp luật không? Có bắt buộc phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục về HIV không?
Buộc người khác xét nghiệm HIV có vi phạm pháp luật không?
Buộc người khác xét nghiệm HIV có vi phạm pháp luật không?
Điều 28 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006) quy định một số trường hợp xét nghiệm HIV bắt buộc như sau:
“Điều 28. Xét nghiệm HIV bắt buộc
1. Xét nghiệm HIV bắt buộc đối với trường hợp có trưng cầu giám định tư pháp hoặc quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Toà án nhân dân.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc xét nghiệm HIV bắt buộc trong một số trường hợp cần thiết để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.
3. Chính phủ quy định danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng.
4. Kinh phí xét nghiệm đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này do ngân sách nhà nước chi trả.”
Khoản 2 Điều 28 nêu trên được hướng dẫn cụ thể tại Điều 1 Thông tư 33/2011/TT-BYT và điểm b khoản 2 Điều 13 Thông tư 01/2015/TT-BYT như sau:
“Điều 1. Các trường hợp được thực hiện xét nghiệm HIV bắt buộc để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh
1. Người hiến mô, bộ phận cơ thể người.
2. Người nhận mô, bộ phận cơ thể người.
3. Người cho tinh trùng, noãn.
4. Người nhận tinh trùng, noãn, phôi.”
Một số ngành nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng tại khoản 3 Điều 28 Luật Phòng chống HIV/AIDS 2006 được hướng dẫn cụ thể bởi Điều 20 Nghị định 108/2007/NĐ-CP như sau:
“Điều 20. Danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng
1. Danh mục nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng:
a) Thành viên tổ lái theo quy định tại Điều 72 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;
b) Nghề đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
2. Khi đã tuyển dụng mà phát hiện người lao động nhiễm HIV, người sử dụng lao động phải thực hiện đúng các quy định tại Điều 14 của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
3. Căn cứ vào diễn biến của dịch HIV/AIDS trong từng thời kỳ cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng.”
Điểm d khoản 2 Điều 14 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006 quy định hành vi không được thực hiện đối với người sử dụng lao động: “Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.”
Chị A đã là nhân viên công ty nên không thuộc đối tượng “người dự tuyển lao động”, công ty bạn hiện đang kinh doanh ngành nghề may mặc nên cũng không thuộc nhóm ngành nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Phòng chống HIV/AIDS 2006.
Như vậy, hành vi giám đốc công ty bạn buộc chị A thực hiện các thủ tục xét nghiệm HIV là hoàn toàn sai quy định của pháp luật.
Không tổ chức giáo dục về HIV cho người lao động có được không?
Tuyên truyền, giáo dục về HIV cho người lao động
Điểm a, c, d khoản 1 Điều 14 Luật Phòng chống HIV/AIDS 2006 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
“Điều 14. Phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc
1. Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân;
…
c) Tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;
d) Các trách nhiệm khác về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.”
Có thể thấy, người sử dụng lao động, tức giám đốc công ty bạn có trách nhiệm tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS trong công ty để người lao động có thể có thêm kiến thức, kĩ năng trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Các buổi tuyên truyền này còn giúp mọi người có cái nhìn khách quan hơn, tránh xảy ra tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Ngoài ra, công ty còn cần tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS theo quy định.
Trong trường hợp này, giám đốc công ty bạn không thực hiện các quy định trên kể cả khi nhân viên yêu cầu được xem là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Xử lý như thế nào đối với hành vi không giáo dục về phòng, chống HIV cho người lao động?
Trường hợp ngoài nhân viên trong công ty, các cơ quan có thẩm quyền cũng yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ tuyên truyền, giáo dục về HIV/AIDS cho người lao động nhưng giám đốc công ty không đồng ý thì tùy theo quy mô công ty và số lượng người lao động trong công ty mà tiến hành các biện pháp xử lý được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền đối với hành vi không tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo một trong các mức sau đây:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động dưới 100 người;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 100 người đến dưới 300 người;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 300 người đến dưới 500 người;
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 500 người đến dưới 1.000 người;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 1.000 người đến dưới 1.500 người;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 1.500 người đến dưới 2.500 người;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với trường hợp cơ sở có sử dụng lao động từ 2.500 người trở lên.
Ngoài ra, khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, tùy từng thuộc vào từng trường hợp cụ thể và chủ thể vi phạm là cá nhân hay tổ chức mà cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ áp dụng những hình thức xử lý, mức phạt phù hợp đối với hành vi trên.
Như vậy, việc giám đốc công ty bạn buộc chị A xét nghiệm HIV bắt buộc là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, hành vi không tổ chức giáo dục, tuyên truyền cho người lao động trong công ty về phòng, chống HIV/AIDS cũng không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp khi có các cơ quan chức năng yêu cầu tiến hành nhưng công ty không thực hiện thì lúc này sẽ áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp.
Trần Hồng Oanh
- khoản 4 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP
- khoản 6 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP
- khoản 1 Điều 5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP
- Điểm d khoản 2 Điều 14 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006
- điểm b khoản 2 Điều 13 Thông tư 01/2015/TT-BYT
- Thông tư 33/2011/TT-BYT
- Điều 28 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về HIV/AIDS có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công đoàn Việt Nam là tổ chức gì? Thành viên hợp danh của công ty hợp danh được kết nạp vào Công đoàn Việt Nam không?
- Mục đích của đổi mới công nghệ là gì? 04 mục tiêu của chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia là gì?
- Content về ngày 20 11 sáng tạo, thu hút? Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 thứ mấy, ngày mấy âm lịch?
- Ngày 18 tháng 11 là ngày gì? Ngày 18 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 18 tháng 11 có phải ngày nghỉ lễ, tết của người lao động không?
- Mẫu Công văn đề xuất xếp loại chất lượng chi bộ, tập thể lãnh đạo và đảng viên mới nhất là mẫu nào?