Công ty Mua bán nợ Việt Nam không đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ và giá trị sổ sách của khoản nợ có thể thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp không?
Công ty Mua bán nợ Việt Nam không đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ và giá trị sổ sách của khoản nợ có thể thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp không?
Tái cơ cấu doanh nghiệp đối với Công ty Mua bán nợ Việt Nam
Những doanh nghiệp được tái cơ cấu theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 129/2020/NĐ-CP gồm:
- Các doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa sau khi xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định mà giá trị thực tế của doanh nghiệp thấp hơn các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp;
- Các doanh nghiệp khác là bên nợ của Công ty Mua bán nợ Việt Nam gắn với phương án xử lý thu hồi nợ.
Để tiến hành tái cơ cấu, doanh nghiệp là đối tượng tái cơ cấu phải thỏa mãn những điều kiện sau:
- Doanh nghiệp được đánh giá có khả năng phục hồi và phát triển sau khi Công ty Mua bán nợ Việt Nam tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu;
- Công ty Mua bán nợ Việt Nam có đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ và giá trị sổ sách của khoản nợ để xử lý các tồn tại tài chính và thực hiện các giải pháp phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu;
- Phương án tái cơ cấu có tính khả thi, có hiệu quả kinh tế và được sự đồng thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp tái cơ cấu.
Dựa vào quy định trên, Công ty Mua bán nợ Việt Nam phải có đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ và giá trị sổ sách của khoản nợ để xử lý các tồn tại tài chính và thực hiện các giải pháp phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu mới có thể thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tái cơ cấu xử lý tài chính như thế nào?
Căn cứ Điều 21 Nghị định 129/2020/NĐ-CP, hoạt động xử lý tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu được quy định như sau:
(1) Nguyên tắc xử lý tài chính:
a) Việc xử lý tài chính đối với doanh nghiệp tái cơ cấu phải gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ phải gắn liền với việc Công ty Mua bán nợ Việt Nam chuyển nợ, tài sản thành vốn góp tại doanh nghiệp và không làm thay đổi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra tổn thất tài chính trước đây;
b) Đảm bảo công khai, minh bạch và chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
(2) Nội dung xử lý tài chính:
a) Đối với doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định 129/2020/NĐ-CP:
- Công ty Mua bán nợ Việt Nam xem xét, giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ gắn với phương án tái cơ cấu đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt. Mức giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu được căn cứ theo Quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về xác định giá trị doanh nghiệp trừ đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác (nếu có) và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ;
- Các chủ nợ khác quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp tái cơ cấu theo thỏa thuận giữa các bên;
- Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, nếu doanh nghiệp tái cơ cấu có phát sinh lỗ, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường theo quy định, số lỗ còn lại được Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ nếu còn nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ và giá trị sổ sách khoản nợ.
b) Đối với doanh nghiệp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định 129/2020/NĐ-CP:
Công ty Mua bán nợ Việt Nam giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp nợ trên cơ sở đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết đã thống nhất giữa các bên. Mức giảm trừ tối đa không quá số lỗ lũy kết trên báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ.
Doanh nghiệp thực hiện những biện pháp nào để phục hồi sau khi tái cơ cấu?
Doanh nghiệp thực hiện những biện pháp để phục hồi sau khi tái cơ cấu được quy định tại Điều 22 Nghị định 129/2020/NĐ-CP như sau:
Doanh nghiệp tái cơ cấu do Công ty Mua bán nợ Việt Nam nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có phương án sản xuất kinh doanh, phương án sử dụng vốn khả thi (bao gồm cả nguồn trả nợ) và hiệu quả thì được Công ty Mua bán nợ Việt Nam xem xét hỗ trợ các biện pháp sau đây:
(1) Cung cấp tài chính từ nguồn vốn kinh doanh của Công ty Mua bán nợ Việt Nam theo các nguyên tắc sau:
a) Công ty Mua bán nợ Việt Nam quyết định và chịu trách nhiệm về việc cung cấp tài chính cho doanh nghiệp tái cơ cấu, trên cơ sở phương án thu hồi vốn hiệu quả và khả thi;
b) Không cung cấp tài chính đối với các doanh nghiệp tái cơ cấu mà Công ty Mua bán nợ Việt Nam đã có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Công ty Mua bán nợ Việt Nam trong năm tài chính. Đối với doanh nghiệp tái cơ cấu đã được Công ty Mua bán nợ Việt Nam cung cấp tài chính, trường hợp Công ty Mua bán nợ Việt Nam có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Công ty Mua bán nợ Việt Nam tại doanh nghiệp thì phải có phương án thu hồi khả thi khoản cung cấp tài chính trước khi chuyển nhượng vốn góp;
c) Doanh nghiệp tái cơ cấu phải sử dụng đúng mục đích khoản cung cấp tài chính của Công ty Mua bán nợ Việt Nam, không được sử dụng khoản cung cấp tài chính của Công ty Mua bán nợ Việt Nam để trả nợ cho chính Công ty Mua bán nợ Việt Nam;
d) Công ty Mua bán nợ Việt Nam thông qua Người đại diện để thực hiện giám sát doanh nghiệp tái cơ cấu trong việc sử dụng khoản cung cấp tài chính của Công ty Mua bán nợ Việt Nam theo đúng phương án sử dụng vốn.
(2) Bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng:
Công ty Mua bán nợ Việt Nam thực hiện bảo lãnh theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014. Việc bảo lãnh vay vốn để thực hiện dự án đầu tư phải trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án đầu tư và phải có cam kết trả nợ đúng hạn đối với khoản vay được bảo lãnh.
Như vậy, Công ty Mua bán nợ Việt Nam không đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ và giá trị sổ sách của khoản nợ không thể thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp. Việc xử lý tài chính và tiến hành các biện pháp phục hồi sau khi tái cơ cấu được thực hiện cụ thể theo quy định của pháp luật.
Trần Hồng Oanh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Công ty mua bán nợ Việt Nam có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất là tài sản công không sử dụng để ở gồm những gì? Thời hạn lập Kế hoạch quản lý khai thác nhà đất?
- Phổ cập giáo dục là gì? Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục cho cấp học nào? Ai thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục?
- 03 cấp đào tạo lý luận chính trị theo quy định? Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo cấp lý luận chính trị nào?
- Mẫu Đơn đề nghị tách hội mới nhất? Hướng dẫn lập đơn đề nghị tách hội? Tải về mẫu đơn đề nghị tách hội ở đâu?
- Tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc theo Thông tư 38/2024 thế nào?