Dàn xếp để một bên trúng thầu bị xử phạt bao nhiêu tiền? Dàn xếp để một bên trúng thầu trong đấu thầu bị đi tù cao nhất là bao nhiêu năm?
Dàn xếp để một bên trúng thầu có vi phạm pháp luật không?
Theo Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu như sau:
Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu
1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức.
3. Thông thầu bao gồm các hành vi sau đây:
a) Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu;
b) Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu;
c) Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu.
...
Như vậy, nếu dàn xếp để một bên trúng thầu là hành vi thông thầu, đây là hành vi bị cấm vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dàn xếp để một bên trúng thầu bị xử phạt bao nhiêu tiền? (hình từ internet)
Dàn xếp để một bên trúng thầu trong đấu thầu có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?
Theo Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm các điều cấm trong đấu thầu như sau:
Vi phạm các điều cấm trong đấu thầu
Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự:
1. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
2. Thông thầu.
3. Gian lận trong đấu thầu.
4. Cản trở hoạt động đấu thầu.
5. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
6. Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu.
7. Chuyển nhượng thầu trái phép.
Theo Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền
1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:
a) Trong lĩnh vực đầu tư là 300.000.000 đồng;
b) Trong lĩnh vực đấu thầu là 300.000.000 đồng;
c) Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100.000.000 đồng;
d) Trong lĩnh vực quy hoạch là 500.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, nếu dàn xếp để một bên trúng thầu là hành vi thông thầu, đây là hành vi bị cấm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
Lưu ý: mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức nếu cá nhân có hành vi nêu trên thì mức phạt bằng ½ lần tổ chức, tức là từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
Dàn xếp để một bên trúng thầu trong đấu thầu bị đi tù cao nhất là bao nhiêu năm?
Theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
b) Thông thầu;
c) Gian lận trong đấu thầu;
d) Cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;
e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, dàn xếp để một bên trúng thầu là hành vi thông thầu nên có thể đi tù với mức cao nhất có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm nếu gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hoạt động đấu thầu có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người theo học ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng được trang bị những kiến thức và kỹ năng gì? Ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng là gì?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh các loại pháo sẽ do cơ quan nào cấp?
- Hàng hóa thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư chuyển sang hàng hóa không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư có được nộp bổ sung chứng từ?
- Hợp đồng chìa khóa trao tay có phải là hợp đồng xây dựng không? Nội dung của hợp đồng chìa khóa trao tay gồm những gì?
- Trường hợp nào thì tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay? Đình chỉ thực hiện chuyến bay như thế nào?