Để trở thành Chủ tịch Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì?
Số lượng thành viên của Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Xây dựng là bao nhiêu?
Để trở thành Chủ tịch Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập cần đáp ứng tiêu chuẩn gì? (Hình từ Internet)
Theo Điều 5 Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 139/QĐ-BXD năm 2020 quy định như sau:
Cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản lý
1. Hội đồng quản lý có tổng số thành viên là số lẻ, tùy theo quy mô hoạt động của đơn vị thì có 05 đến 11 thành viên, trong đó có 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 01 Thư ký và các thành viên Hội đồng quản lý.
2. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý là 05 (năm) năm.
3. Cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý như sau:
a) Chủ tịch Hội đồng là người đại diện của Bộ Xây dựng hoặc đại diện tổ chức tham gia được Hội đồng bầu, do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Thành viên là đại diện lãnh đạo của một hoặc một số tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có 01 thành viên được cử làm Thư ký Hội đồng quản lý) như sau:
- Đại diện lãnh đạo của một hoặc một số đơn vị tham mưu về: tổ chức cán bộ, kế hoạch, tài chính, chuyên môn, khoa học và công nghệ của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Lãnh đạo tổ chức cùng cấp: Cấp ủy đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên;
- Lãnh đạo đơn vị trực thuộc (nếu có);
d) Một số thành viên khác là công chức hoặc viên chức của đơn vị.
đ) Thành viên bên ngoài, không phải là công chức, viên chức, cán bộ quản lý cơ hữu của đơn vị nhưng có tham gia hoạt động sự nghiệp của đơn vị, thành phần này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;
- Là người không có quan hệ bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột với các thành viên khác trong Hội đồng quản lý.
4. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Xây dựng có tổng số thành viên là số lẻ, tùy theo quy mô hoạt động của đơn vị thì có 05 đến 11 thành viên, trong đó có 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 01 Thư ký và các thành viên Hội đồng quản lý.
Để trở thành Chủ tịch Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập cần đáp ứng tiêu chuẩn gì?
Theo khoản 2 Điều 10 Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 139/QĐ-BXD năm 2020 quy định Chủ tịch Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập cần đáp ứng tiêu chuẩn như sau:
(1) Tiêu chuẩn chung của thành viên Hội đồng quản lý:
+ Các thành viên tham gia Hội đồng quản lý phải đạt tiêu chuẩn chung của cán bộ; có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quan hệ bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị;
+ Thành viên Hội đồng quản lý được bổ nhiệm lần đầu có độ tuổi không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ. Trường hợp thực sự cần thiết, đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản lý, tính đến thời điểm bổ nhiệm còn tuổi công tác ít nhất 2/3 nhiệm kỳ (05 năm), có đủ năng lực, phẩm chất, sức khỏe, được tín nhiệm trong khi đơn vị chưa có phương án nhân sự khác thích hợp, thì cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể để quyết định;
+ Có trình độ từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất 60 tháng ở một trong các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp, có năng lực quản lý, được quần chúng tín nhiệm;
+ Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao;
+ Có đầy đủ hồ sơ cá nhân theo quy định, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh rõ ràng;
+ Không trong thời gian chấp hành quyết định kỷ luật từ khiển trách trở lên hoặc trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
(2) Tiêu chuẩn đối với Chủ tịch Hội đồng quản lý:
+ Có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp trưởng phòng và tương đương trở lên ít nhất 05 năm;
+ Là công chức hoặc viên chức trong danh sách thành viên hội đảng được phê duyệt và không kiêm chức vụ là người đứng đầu đơn vị;
+ Đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn cụ thể theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sự nghiệp.
Theo đó, để trở thành Chủ tịch Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập cần đáp ứng tiêu chuẩn được quy định nêu trên.
Vai trò của Chủ tịch Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quy định như nào?
Theo Điều 6 Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 139/QĐ-BXD năm 2020 quy định như sau:
Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản lý và các thành viên trong Hội đồng quản lý
1. Chủ tịch Hội đồng quản lý có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Quyết định về chương trình nghị sự, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản lý;
b) Triệu tập các cuộc họp của Hội đồng quản lý; chủ tọa các cuộc họp và tổ chức bỏ phiếu tại các cuộc họp;
c) Điều hành Hội đồng quản lý thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Quy chế này;
d) Ban hành, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng quản lý và thực hiện các chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên;
đ) Được ủy quyền cho thành viên Hội đồng quản lý trong trường hợp vắng mặt và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.
2. Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Điều hành hoạt động của Hội đồng quản lý khi được Chủ tịch Hội đồng quản lý ủy quyền;
b) Ký các văn bản của Hội đồng quản lý theo ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng quản lý.
3. Thư ký Hội đồng quản lý trực tiếp giúp Chủ tịch hội đồng những nhiệm vụ sau đây:
a) Tổng hợp thông tin về hoạt động của đơn vị báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản lý; chuẩn bị chương trình nghị sự, nội dung, tài liệu, gửi giấy mời họp và làm thư ký các cuộc họp của hội đồng; xây dựng, hoàn chỉnh, lưu trữ, các văn bản của Hội đồng quản lý;
b) Chuẩn bị các báo cáo, văn bản giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan theo nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng quản lý;
c) Các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng quản lý giao.
4. Các thành viên trong Hội đồng quản lý có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng quản lý phân công và các nhiệm vụ khác quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị.
Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 6 Quy chế này quy định về các nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch của Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, cụ thể:
+ Quyết định về chương trình nghị sự, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản lý;
+ Triệu tập các cuộc họp của Hội đồng quản lý; chủ tọa các cuộc họp và tổ chức bỏ phiếu tại các cuộc họp;
+ Điều hành Hội đồng quản lý thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Quy chế này;
+ Ban hành, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng quản lý và thực hiện các chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên;
+ Được ủy quyền cho thành viên Hội đồng quản lý trong trường hợp vắng mặt và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.
Huỳnh Lê Bình Nhi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đơn vị sự nghiệp công lập có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 03 cấp đào tạo lý luận chính trị theo quy định? Trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo cấp lý luận chính trị nào?
- Mẫu Đơn đề nghị tách hội mới nhất? Hướng dẫn lập đơn đề nghị tách hội? Tải về mẫu đơn đề nghị tách hội ở đâu?
- Tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu cho phép đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc theo Thông tư 38/2024 thế nào?
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không? Nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai?
- Có được phép chuyển đổi công năng nhà ở từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hay không?