Điều kiện để thành lập trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn là gì? Thủ tục thành lập ra sao?
Điều kiện để thành lập trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn là gì?
Tại Điều 42 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập trung tâm học tập cộng đồng như sau:
Điều kiện thành lập trung tâm học tập cộng đồng
1. Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng.
2. Có cán bộ quản lý, giáo viên, kế toán, thủ quỹ đáp ứng được yêu cầu hoạt động của trung tâm theo quy định.
3. Có địa điểm cụ thể, cơ sở vật chất và các thiết bị, chương trình giáo dục, kế hoạch và tài liệu học tập cần thiết đáp ứng được yêu cầu hoạt động của trung tâm trên cơ sở đầu tư, trang bị mới hoặc tận dụng các cơ sở vật chất sẵn có trên địa bàn cấp xã.
Tuy nhiên hiện nay quy định này đã bị bãi bỏ bởi Điều 2 Nghị định 135/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/11/2018 và không có quy định thay thế. Vậy hiện nay đã không còn quy định về điều kiện để thành lập trung tâm học tập cộng đồng.
Điều kiện để thành lập trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn là gì? (Hình từ Internet)
Thủ tục thành lập trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn như thế nào?
Tại Điều 43 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP) quy định về thủ tục thành lập trung tâm học tập cộng đồng như sau:
Bước 1: Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trung tâm học tập cộng đồng gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Phòng Giáo dục và Đào tạo, hồ sơ cụ thể gồm có:
- Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trung tâm học tập cộng đồng;
- Sơ yếu lý lịch của những người dự kiến làm giám đốc trung tâm học tập cộng đồng.
Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định các điều kiện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định;
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập. Nếu chưa cho phép hoạt động giáo dục thì có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập và Phòng Giáo dục và Đào tạo nêu rõ lý do và hướng giải quyết.
Ngoài ra tại Điều 5 Quyết định 09/2008/QĐ-BGDĐT quy định về việc đặt tên trung tâm như sau:
Tên của trung tâm học tập cộng đồng
1. Tên của trung tâm học tập cộng đồng: trung tâm học tập cộng đồng + tên xã, phường, thị trấn (hoặc tên riêng).
2. Tên của trung tâm học tập cộng đồng được ghi trong quyết định thành lập, con dấu, biển hiệu và các giấy tờ giao dịch của trung tâm.
Trung tâm học tập cộng đồng có chức năng và nhiệm vụ như thế nào?
Tại Điều 3 và Điều 4 Quyết định 09/2008/QĐ-BGDĐT quy định về chức năng và nhiệm vụ của trung tâm học tập cộng đồng như sau:
Điều 3. Chức năng của trung tâm học tập cộng đồng
Hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; được phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng; là nơi thực hiện việc phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật đến với mọi người dân.
Điều 4. Nhiệm vụ của trung tâm học tập cộng đồng
1. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân trong cộng đồng; phối hợp triển khai các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và các dự án, chương trình tại địa phương.
2. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, tư vấn khuyến học, giáo dục cho con em nhân dân địa phương, phòng chống tệ nạn xã hội.
3. Điều tra nhu cầu học tập của cộng đồng, xây dựng nội dung và hình thức học tập phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhóm đối tượng.
4. Quản lý tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm theo quy định của pháp luật.
Ngô Diễm Quỳnh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Trung tâm học tập cộng đồng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bảo hiểm nhân thọ là gì? Nguyên tắc thế quyền có được áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
- Người lao động có phải nộp bản chính bằng đại học cho công ty khi ký hợp đồng lao động hay không?
- Chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất là bao nhiêu theo quy định mới?
- Giá kê khai là gì? Có bắt buộc phải kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá không?
- Có phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất khi người sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất không?