Doanh nghiệp có thể tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho mình không? Mẫu sổ kế toán không có đầy đủ nội dung thì có bị xử phạt không?

Cho chị hỏi mỗi doanh nghiệp có thể tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình không hay phải thực hiện theo mẫu chung nào? Nếu được tự xây dựng nhưng mẫu sổ kế toán của doanh nghiệp không có đầy đủ nội dung theo quy định thì có bị xử phạt không?

Doanh nghiệp có thể tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho mình không?

Căn cứ theo Điều 122 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về sổ kế toán của doanh nghiệp như sau:

Sổ kế toán
1. Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian có liên quan đến doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp chỉ có một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán. Doanh nghiệp phải thực hiện các quy định về sổ kế toán trong Luật Kế toán, Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong lĩnh vực kinh doanh, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Luật kế toán.
2. Doanh nghiệp được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch, đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ đối chiếu. Trường hợp không tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán, doanh nghiệp có thể áp dụng biểu mẫu sổ kế toán theo hướng dẫn tại phụ lục số 4 Thông tư này nếu phù hợp với đặc điểm quản lý và hoạt động kinh doanh của mình.
3. Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, doanh nghiệp được tự xây dựng hình thức ghi sổ kế toán cho riêng mình trên cơ sở đảm bảo thông tin về các giao dịch phải được phản ánh đầy đủ, kịp thời, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu. Trường hợp không tự xây dựng hình thức ghi sổ kế toán cho riêng mình, doanh nghiệp có thể áp dụng các hình thức sổ kế toán được hướng dẫn trong phụ lục số 4 Thông tư này để lập Báo cáo tài chính nếu phù hợp với đặc điểm quản lý và hoạt động kinh doanh của mình.

Như vậy, theo quy định hiện nay thì doanh nghiệp được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch, đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ đối chiếu.

Sổ kế toán

Biểu mẫu sổ kế toán của doanh nghiệp (Hình từ Internet)

Sổ kế toán phải có những nội dung gì?

Căn cứ theo Điều 24 Luật Kế toán 2015 thì sổ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Ngày, tháng, năm ghi sổ;

- Số hiệu và ngày, tháng, năm của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ;

- Tóm tắt nội dung của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

- Số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh ghi vào các tài khoản kế toán;

- Số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.

Đồng thời, cần lưu ý rằng sổ kế toán phải ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ; ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; số trang; đóng dấu giáp lai.

Mẫu sổ kế toán không có đầy đủ nội dung theo quy định thì có bị xử phạt không?

Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 9 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán như sau:

Xử phạt hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lập sổ kế toán không ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ, ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; thiếu chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; không đánh số trang; không đóng dấu giáp lai giữa các trang của số kế toán trên giấy;
b) Sổ kế toán không ghi bằng bút mực (trừ trường hợp đơn vị lựa chọn ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử), ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới, ghi chồng lên nhau, ghi cách dòng; không gạch chéo phần trang sổ không ghi; không thực hiện việc cộng số liệu tổng cộng khi ghi hết trang sổ, không thực hiện việc chuyển số liệu tổng cộng trang sổ trước sang đầu trang sổ kế tiếp;
c) Không đóng thành quyển sổ riêng cho từng kỳ kế toán hoặc không có đầy đủ chữ ký và đóng dấu theo quy định sau khi in ra giấy (trừ các loại sổ không bắt buộc phải in theo quy định đối với trường hợp đơn vị lựa chọn lưu trữ sổ kế toán trên phương tiện điện tử);
d) Mẫu sổ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định.
...

Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP) thì mức mức phạt tiền này được áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo đó, nếu doanh nghiệp xây dựng mẫu sổ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Sổ kế toán

Đinh Thị Ngọc Huyền

Sổ kế toán
Căn cứ pháp lý
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Sổ kế toán có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào