Doanh nghiệp Việt Nam có được thanh toán bằng ngoại tệ cho công ty nước ngoài không? Ngôn ngữ trên hợp đồng phải được thể hiện bằng ngôn ngữ nào?
Ngôn ngữ trên hợp đồng phải được thể hiện bằng ngôn ngữ nào?
Căn cứ Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về khái niệm hợp đồng như sau:
"Điều 385. Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự."
Ngoài ra theo Điều 11 Luật Thương mại 2005 quy định về nguyên tắc tự do tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại như sau:
"Điều 11. Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại
1. Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.
2. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào."
Hiện tại chỉ một số loại hợp đồng cụ thể mới có quy định về ngôn ngữ thể hiện trên hơp đồng phải là tiếng Việt như hợp đồng giao kết với người tiêu dùng; hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; hợp đồng xây dựng. Ngoài ra các loại hợp đồng còn lại được lập dựa trên quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005.
Theo quy định trên thì hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên và các bên có quyền tự do thoả thuận nhưng không không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Có thể hiểu ngôn ngữ được thể hiện trên hợp đồng sẽ do hai bên thỏa thuận sẽ sử dụng ngôn ngữ nào.
Tuy nhiên, khi có tranh chấp xảy ra thì Tòa án tại Việt Nam sẽ căn cứ theo Hợp đồng bản tiếng Việt để giải quyết (trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các bản hợp đồng thì Tòa căn cứ vào ý chí giữa các bên).
Pháp luật Việt Nam quy định thế nào về việc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
Căn cứ quy định chung tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối 2013) như sau:
“Điều 22. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối
Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”
Ngoài ra tại Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN cũng quy định về việc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau:
"Điều 3. Nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối."
Như vậy mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép được quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN.
Doanh nghiệp Việt Nam có được thanh toán bằng ngoại tệ cho công ty nước ngoài không?
Thanh toán bằng ngoại tệ
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định về tự do hóa đối với giao dịch vãng lai như sau:
"Điều 4. Tự do hóa đối với giao dịch vãng lai
Trên lãnh thổ Việt Nam, tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai của người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện phù hợp với các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan theo các nguyên tắc sau:
1. Người cư trú, người không cư trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai.
2. Người cư trú, người không cư trú có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho tổ chức tín dụng được phép.
3. Khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai, người cư trú, người không cư trú không phải xuất trình các chứng từ liên quan đến việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam."
Theo đó, trường hợp Công ty nhập khẩu và thanh toán trực tiếp cho Công ty nước ngoài tại Trung Quốc thì vẫn được thanh toán bằng ngoại tệ.
Trần Thành Nhân
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thanh toán bằng ngoại tệ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hàng hóa thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư chuyển sang hàng hóa không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư có được nộp bổ sung chứng từ?
- Hợp đồng chìa khóa trao tay có phải là hợp đồng xây dựng không? Nội dung của hợp đồng chìa khóa trao tay gồm những gì?
- Trường hợp nào thì tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay? Đình chỉ thực hiện chuyến bay như thế nào?
- Mẫu tờ trình đề nghị giải thể cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt, giáo dục thường xuyên mới nhất?
- Công chức quản lý thuế có bao gồm công chức hải quan? Nghiêm cấm công chức hải quan bao che, thông đồng để gian lận thuế?