Đối tượng bảo hiểm hàng hải bao gồm những gì? Việc xác định quyền lợi có thể được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm hàng hải được quy định thế nào?

Tôi có thắc mắc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải. Cho tôi hỏi đối tượng bảo hiểm hàng hải bao gồm những gì? Việc xác định quyền lợi có thể được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm hàng hải được quy định thế nào?Câu hỏi của chị Mai Phương ở Bình Thuận.

Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được quy định thế nào?

Theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 về hợp đồng bảo hiểm hàng hải như sau:

Hợp đồng bảo hiểm hàng hải
1. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hợp đồng bảo hiểm các rủi ro hàng hải, theo đó người được bảo hiểm phải nộp phí bảo hiểm theo thỏa thuận và người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn thất hàng hải thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo cách thức và điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Rủi ro hàng hải là những rủi ro xảy ra liên quan đến hành trình đường biển, bao gồm các rủi ro của biển, cháy, nổ, chiến tranh, cướp biển, trộm cắp, kê biên, quản thúc, giam giữ, ném hàng xuống biển, trưng thu, trưng dụng, trưng mua, hành vi bất hợp pháp và các rủi ro tương tự hoặc những rủi ro khác được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
2. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải có thể mở rộng theo những điều kiện cụ thể hoặc theo tập quán thương mại để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm đối với những tổn thất xảy ra trên đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt hoặc đường hàng không thuộc cùng một hành trình đường biển.
3. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải phải được giao kết bằng văn bản.

Theo quy định trên, hợp đồng bảo hiểm hàng hải là hợp đồng bảo hiểm các rủi ro hàng hải. Theo đó, người được bảo hiểm phải nộp phí bảo hiểm theo thỏa thuận và người bảo hiểm cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn thất hàng hải thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo cách thức và điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Lưu ý là hợp đồng bảo hiểm hàng hải phải được giao kết bằng văn bản.

Đối tượng bảo hiểm hàng hải

Đối tượng bảo hiểm hàng hải (Hình từ Internet)

Đối tượng bảo hiểm hàng hải bao gồm những gì?

Theo Điều 304 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về đối tượng bảo hiểm hàng hải như sau:

Đối tượng bảo hiểm hàng hải
1. Đối tượng bảo hiểm hàng hải là bất kỳ quyền lợi vật chất nào có thể quy ra tiền liên quan đến hoạt động hàng hải.
2. Đối tượng bảo hiểm hàng hải bao gồm:
a) Tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác bị đe dọa bởi các rủi ro hàng hải;
b) Giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, tiền thuê tàu, tiền thuê mua tàu, tiền lãi ước tính của hàng hóa, các khoản hoa hồng, các khoản tiền cho vay, bảo đảm tiền ứng trước, chi phí bị nguy hiểm khi tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác bị đe dọa bởi các rủi ro hàng hải;
c) Trách nhiệm dân sự phát sinh do các rủi ro hàng hải.

Theo đó, đối tượng bảo hiểm hàng hải là bất kỳ quyền lợi vật chất nào có thể quy ra tiền liên quan đến hoạt động hàng hải, bao gồm những đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 304 nêu trên.

Trong đó có tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác bị đe dọa bởi các rủi ro hàng hải; và trách nhiệm dân sự phát sinh do các rủi ro hàng hải.

Việc xác định quyền lợi có thể được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm hàng hải được quy định thế nào?

Căn cứ Điều 305 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về xác định quyền lợi có thể được bảo hiểm như sau:

Xác định quyền lợi có thể được bảo hiểm
1. Người có quyền lợi có thể được bảo hiểm là người có quyền lợi đối với đối tượng bảo hiểm trong hành trình đường biển.
2. Người có quyền lợi trong một hành trình đường biển khi có bằng chứng chứng minh là có liên quan đến hành trình này hoặc bất kỳ đối tượng có thể bảo hiểm nào gặp rủi ro trong hành trình mà hậu quả là người đó thu được lợi nhuận khi đối tượng bảo hiểm đến cảng an toàn hoặc không thu được lợi nhuận khi đối tượng bảo hiểm bị tổn thất, hư hỏng, bị lưu giữ hoặc phát sinh trách nhiệm.
3. Người được bảo hiểm phải có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất và có thể không có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm. Khi đối tượng bảo hiểm được bảo hiểm theo điều kiện có tổn thất hoặc không có tổn thất thì người được bảo hiểm vẫn có thể được bồi thường mặc dù sau khi tổn thất xảy ra mới có quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp người được bảo hiểm biết tổn thất đã xảy ra, còn người bảo hiểm không biết việc đó.
Trường hợp người được bảo hiểm không có quyền lợi trong đối tượng bảo hiểm tại thời điểm xảy ra tổn thất thì không thể có được quyền đó bằng bất kỳ hành động hay sự lựa chọn nào sau khi người được bảo hiểm biết tổn thất đã xảy ra.
4. Trường hợp người mua hàng đã mua bảo hiểm cho hàng hóa thì có quyền lợi bảo hiểm mặc dù có thể đã từ chối nhận hàng hoặc đã xử lý hàng hóa đó như đối với hàng hóa thuộc rủi ro của người bán hàng do giao hàng chậm hoặc vì những lý do khác.
5. Một phần quyền lợi của tàu biển, tàu biển đang đóng, hàng hóa hay các tài sản khác là quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Như vậy, người có quyền lợi có thể được bảo hiểm là người có quyền lợi đối với đối tượng bảo hiểm trong hành trình đường biển.

Và việc xác định quyền lợi có thể được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định tại Điều 305 nêu trên.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm hàng hải

Trần Thị Tuyết Vân

Bảo hiểm hàng hải
Thực hiện hợp đồng bảo hiểm hàng hải
Căn cứ pháp lý
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Bảo hiểm hàng hải có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào