Giao dịch dân sự với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng quy định như thế nào? Chồng cho người khác vay tiền có cần vợ đồng ý không?
- Quy định về việc cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba như thế nào?
- Giao dịch dân sự với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng quy định ra sao?
- Chồng cho người khác vay tiền thì vợ có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu không?
Quy định về việc cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba như thế nào?
Tại Điều 16 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
“Điều 16. Cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba
Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì khi xác lập, thực hiện giao dịch vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.”
Trong trường hợp này, vợ chồng bạn đã kết hôn với nhau từ năm 2016. Sau đó năm 2019 thì bạn có tài khoản ngân hàng đứng tên mình vậy nên tài khoản ngân hàng này sẽ thuộc tài sản chung của vợ chồng bạn.
Bạn có cho người bạn của mình vay nhưng khi thực hiện giao dịch thì bạn đã không cung cấp những thông tin liên quan cho bạn của bạn mặc dù việc cung cấp thông tin đó là nghĩa vụ của bạn.
Như vậy theo quy định tại Điều 16 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì bạn của bạn trong trường hợp này được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
Chồng cho người khác vay tiền có cần vợ đồng ý không? (Hình từ Internet)
Giao dịch dân sự với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng quy định ra sao?
Cụ thể tại Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Điều 32. Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.
2. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.”
Chồng cho người khác vay tiền thì vợ có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu không?
Theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.”
Dẫn chiếu đến Điều 167 Bộ luật Dân sự 2015 quy định :
“Điều 167. Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình
Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.”
Trong tình huống trên thì bạn giao dịch với bạn của bạn là người thứ ba ngay tình đã được chứng minh bên trên và bạn đã đứng tên tài khoản ngân hàng năm 2019 thì theo Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, bạn là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng với bạn của bạn.
Vậy nên bạn rút tiền ngân hàng cho bạn mình vay là giao dịch dân sự hợp pháp. Bạn cho người bạn của mình vay là tài sản chung vợ chồng giữa bạn và vợ của bạn (Do hai vợ chồng bạn kết hôn từ năm 2016 mà tài khoản anh A mở và đứng tên là năm 2019 là tài sản có được sau khi kết hôn).
Tuy nhiên, nó là động sản hơn nữa nó nằm trong tài khoản Ngân hàng của bạn nên bạn có quyền định đoạt đối với tài sản này.
Vì vậy, trong trường hợp này, vợ của bạn không có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch giữa bạn và người bạn của mình vô hiệu. Và bạn của bạn là người thứ ba ngay tình và sẽ được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Bộ luật Dân sự hiện hành.
Tuy không bị vô hiệu nhưng vợ bạn có thể thực hiện việc khởi kiện và yêu cầu hoàn trả chi phí, bồi thường thiệt hại với bạn, do bạn trong trường hợp này là người có lỗi dẫn tới việc cho vay theo quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015.
Phạm Lan Anh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giao dịch dân sự có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?