Giáo viên mầm non sinh con vào thời gian nghỉ hè có được nghỉ bù không?
Giáo viên mầm non được hưởng những quyền lợi gì?
Theo Điều 70 Luật Giáo dục 2019 quy định về quyền của nhà giáo như sau:
"Điều 70. Quyền của nhà giáo
1. Được giảng dạy theo chuyên môn đào tạo.
2. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
3. Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học.
4. Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể.
5. Được nghỉ hè theo quy định của Chính phủ và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật."
Ngoài ra, Điều 29 Điều lệ trường mầm non ban hành kèm Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định về quyền của giáo viên mầm non như sau:
- Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể, được hưởng các quyền lợi về vật chất, tinh thần theo quy định.
- Được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường; được bảo đảm các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Được hưởng tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
- Được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng nguyên lương, phụ cấp theo lương và các chế độ chính sách khác theo quy định khi được cấp có thẩm quyền cử đi học tập, bồi dưỡng.
- Được khen thưởng, tặng danh hiệu thi đua và các danh hiệu cao quý khác theo quy định.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, giáo viên mầm non được hưởng một số quyền lợi và chế độ theo quy định đã nêu trên.
Quyền của giáo viên mầm non
Giáo viên mầm non sinh con vào dịp nghỉ hè được hưởng chế độ thai sản như thế nào?
Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:
(1) Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
(2) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc;
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
(3) Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
(4) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật này mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
(5) Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại khoản 4 Điều này thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
(6) Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
(7) Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Ngoài ra, Mục 3 Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB năm 2017 quy định về việc hướng dẫn giải quyết chế độ thai sản của giáo viên trùng với thời gian nghỉ hè như sau:
"3. [...] Do đó trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Bộ Luật lao động hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm (nếu do yêu cầu công tác, cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên) theo quy định tại Điều 114 Bộ Luật Lao động. Mức chi hỗ trợ cho giáo viên trong trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính."
Theo đó, trường hợp giáo viên mầm non nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè sẽ giải quyết theo 2 phương án: được bố trí thời gian nghỉ hằng năm hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm.
Chế độ lương vào thời gian nghỉ hè của giáo viên mầm non như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định về thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên mầm non như sau:
"2. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);
b) Các ngày nghỉ khác thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động và các quy định hiện hành.
Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định."
Do đó, thời gian giáo viên mầm non nghỉ hè vẫn được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có).
Như vậy, trường hợp giáo viên mầm non sinh con vào dịp nghỉ hè sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm.
Lê Thị Hương Giang
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giáo viên có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất chưa có hiệu lực thi hành thì được tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất không?
- Thành viên hộ gia đình là người 17 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền cho hộ gia đình không?
- Đội tuyên truyền giải phóng quân khi thành lập ai làm đội trưởng? Chức năng nhiệm vụ của Quân đội nhân dân như thế nào?
- Hướng dẫn ghi Mẫu 08 Nghị định 98 chi tiết, cụ thể? Tải về file word Mẫu 08 Nghị định 98 mới nhất?
- Mẫu quy trình nghỉ phép, nghỉ việc riêng dành cho người lao động trong doanh nghiệp? Số ngày nghỉ không hưởng lương theo luật lao động?