Hạn ngạch xuất khẩu là gì? Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu phải bảo đảm điều gì theo quy định?
Hạn ngạch xuất khẩu là gì?
Căn cứ Điều 17 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định như sau:
Biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu
1. Hạn ngạch xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng để hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
2. Hạn ngạch nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng để hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, hạn ngạch xuất khẩu có thể hiểu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng để hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Hạn ngạch xuất khẩu là gì? Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu phải bảo đảm điều gì theo quy định? (Hình từ Internet)
Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu phải bảo đảm điều gì?
Căn cứ Điều 18 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định như sau:
Áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu
1. Áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Đối với hàng hóa bảo đảm cân đối vĩ mô, tăng trưởng kinh tế theo từng thời kỳ;
c) Khi nước nhập khẩu áp dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
2. Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.
Theo đó, việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.
Thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu được quy định tại Điều 19 Luật Quản lý ngoại thương 2017 như sau:
(1) Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức khác có liên quan để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.
(2) Bộ Công Thương công bố hàng hóa cần áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.
Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 5 Luật Quản lý ngoại thương 2017, quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu được quy định như sau:
(1) Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện như sau:
- Thương nhân được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;
- Thương nhân khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép, theo điều kiện phải đáp ứng các yêu cầu về giấy phép, điều kiện;
- Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.
(2) Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như sau:
- Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bộ Công Thương công bố Danh mục hàng hóa, lộ trình thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Thực hiện quyền xuất khẩu thông qua mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu;
- Thực hiện quyền nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam.
(3) Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thuộc các nước, vùng lãnh thổ (sau đây gọi chung là nước) là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước có thỏa thuận song phương với Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(4) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được quy định, công bố chi tiết tương ứng với phân loại hàng hóa của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo quy định của pháp luật về hải quan.
Phan Thị Như Ý
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hạn ngạch xuất khẩu có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Luật ngân sách nhà nước mới nhất? Có những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước mới nhất?
- Mua trả chậm là gì? Nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua trả chậm được quy định thế nào theo pháp luật hiện nay?
- Bài tuyên truyền Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18 11? Bài tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc 2024?
- Trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 2030 theo Công văn 9743 như thế nào?
- Khẩu hiệu chào mừng ngày 20 11 ngắn gọn? Khẩu hiệu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11 2024 ý nghĩa?