Hệ thống thông tin quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử thuộc trong tiêu chí xác định hệ thống thông tin cấp độ mấy?
Phân loại thông tin và hệ thống thông tin cần đảm bảo các quy định gì?
Tại Điều 6 Nghị định 85/2016/NĐ-CP quy định về việc phân loại thông tin và hệ thống thông tin như sau:
Phân loại thông tin và hệ thống thông tin
1. Thông tin xử lý thông qua hệ thống thông tin được phân loại theo thuộc tính bí mật như sau:
a) Thông tin công cộng là thông tin trên mạng của một tổ chức, cá nhân được công khai cho tất cả các đối tượng mà không cần xác định danh tính, địa chỉ cụ thể của các đối tượng đó;
b) Thông tin riêng là thông tin trên mạng của một tổ chức, cá nhân mà tổ chức, cá nhân đó không công khai hoặc chỉ công khai cho một hoặc một nhóm đối tượng đã được xác định danh tính, địa chỉ cụ thể;
c) Thông tin cá nhân là thông tin trên mạng gắn với việc xác định danh tính một người cụ thể;
d) Thông tin bí mật nhà nước là thông tin ở mức Mật, Tối Mật, Tuyệt Mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Hệ thống thông tin được phân loại theo chức năng phục vụ hoạt động nghiệp vụ như sau:
a) Hệ thống thông tin phục vụ hoạt động nội bộ là hệ thống chỉ phục vụ hoạt động quản trị, vận hành nội bộ của cơ quan, tổ chức;
b) Hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp là hệ thống trực tiếp hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tuyến, bao gồm dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ trực tuyến khác trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác;
c) Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin là tập hợp trang thiết bị, đường truyền dẫn kết nối phục vụ chung hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức như mạng diện rộng, cơ sở dữ liệu, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; xác thực điện tử, chứng thực điện tử, chữ ký số; kết nối liên thông các hệ thống thông tin;
d) Hệ thống thông tin Điều khiển công nghiệp là hệ thống có chức năng giám sát, thu thập dữ liệu, quản lý và kiểm soát các hạng Mục quan trọng phục vụ Điều khiển, vận hành hoạt động bình thường của các công trình xây dựng;
đ) Hệ thống thông tin khác.
Như vậy, đối với phân loại thông tin và hệ thống thông tin thì thông tin xử lý thông qua hệ thống thông tin được phân loại theo thuộc tính bí mật và hệ thống thông tin được phân loại theo chức năng phục vụ hoạt động nghiệp vụ.
Hệ thống thông tin quốc gia (Hình từ Internet)
Hệ thống thông tin quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử thuộc trong tiêu chí xác định hệ thống thông tin cấp độ mấy?
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 85/2016/NĐ-CP quy định về tiêu chí xác định cấp độ 4 như sau:
Tiêu chí xác định cấp độ 4
Hệ thống thông tin cấp độ 4 là hệ thống thông tin có một trong các tiêu chí cụ thể như sau:
1. Hệ thống thông tin xử lý thông tin bí mật nhà nước hoặc hệ thống phục vụ quốc phòng, an ninh, khi bị phá hoại sẽ làm tổn hại nghiêm trọng quốc phòng, an ninh quốc gia.
2. Hệ thống thông tin quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, yêu cầu vận hành 24/7 và không chấp nhận ngừng vận hành mà không có kế hoạch trước.
3. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin dùng chung phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức trên phạm vi toàn quốc, yêu cầu vận hành 24/7 và không chấp nhận ngừng vận hành mà không có kế hoạch trước.
4. Hệ thống thông tin Điều khiển công nghiệp trực tiếp phục vụ Điều khiển, vận hành hoạt động bình thường của các công trình xây dựng cấp I theo phân cấp của pháp luật về xây dựng.
Theo đó, hệ thống thông tin quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, yêu cầu vận hành 24/7 và không chấp nhận ngừng vận hành mà không có kế hoạch trước thuộc trong tiêu chí xác định hệ thống thông tin cấp độ 4.
Những cơ quan quản lý nhà nước nào có trách nhiệm đối với việc bảo đảm an toàn hệ thống thông tin?
Theo Điều 23 Nghị định 85/2016/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như sau:
Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
a) Thực hiện thẩm định hồ sơ đề xuất cấp độ theo thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 12 Nghị định này;
b) Xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ;
c) Hướng dẫn chi Tiết việc xác định hệ thống thông tin quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định này;
d) Ban hành quy định, văn bản hướng dẫn về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; quy định về đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;
đ) Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức thực hiện đào tạo ngắn hạn, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và diễn tập về an toàn thông tin;
e) Quy định chi Tiết về kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin và quản lý rủi ro an toàn thông tin trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 và Điểm d Khoản 3 Điều này;
g) Triển khai các hệ thống hạ tầng kỹ thuật tập trung quy mô quốc gia để xử lý, giảm thiểu tấn công mạng, hỗ trợ giám sát an toàn thông tin cho hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ điện tử.
2. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:
a) Thực hiện thẩm định phương án bảo đảm an toàn thông tin trong hồ sơ đề xuất cấp độ theo thẩm quyền quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 12 Nghị định này;
b) Xây dựng dự thảo tiêu chuẩn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về bảo đảm an toàn đối với hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý;
c) Hướng dẫn về tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 9, Khoản 1 Điều 10 và Khoản 1 Điều 11 Nghị định này theo chức năng, nhiệm vụ được phân công;
d) Quy định chi Tiết về kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin và quản lý rủi ro an toàn thông tin trong hoạt động của Bộ Quốc phòng.
3. Bộ Công an có trách nhiệm:
a) Thực hiện thẩm định phương án bảo đảm an toàn thông tin trong hồ sơ đề xuất cấp độ theo thẩm quyền quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định này;
b) Xây dựng dự thảo tiêu chuẩn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về bảo đảm an toàn đối với hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý;
c) Hướng dẫn về tiêu chí quy định tại Khoản 1 Điều 9, Khoản 1 Điều 10 và Khoản 1 Điều 11 Nghị định này theo chức năng, nhiệm vụ được phân công;
d) Quy định chi Tiết về kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin và quản lý rủi ro an toàn thông tin trong hoạt động của Bộ Công an.
Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm đối với việc bảo đảm an toàn hệ thống thông tin bao gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Phạm Lan Anh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hệ thống thông tin có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người bị bạo lực gia đình có được quyền lựa chọn chỗ ở khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc không?
- Quy hoạch chi tiết dự án cải tạo nhà chung cư phải có chỉ tiêu nào? Có thể lập quy hoạch đồng thời với đánh giá chất lượng nhà chung cư không?
- Viên chức Bộ Tư pháp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong bao nhiêu năm thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc?
- Mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước? Cách chấm điểm tiêu chí đánh giá?
- Đối tượng được hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp khi bị thu hồi đất theo Luật Đất đai mới?