Khách hàng sử dụng ma túy thì chủ cơ sở kinh doanh có bị xử phạt không? Mức phạt đối với việc tổ chức sử dụng ma túy? Chủ cơ sở kinh doanh bị xử phạt ra sao?
Quy định của pháp luật về chất ma túy?
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật Phòng chống ma túy 2021, theo đó có thể hiểu rằng chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng và chất hướng thần là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.
Hành vi tổ chức sử dụng ma túy bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu là người nước ngoài mà vi phạm thì bị trục xuất.
Bên cạnh đó nếu có hành vi tổ chức sử dụng ma túy thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sụ về tội tổ chức sử dụng ma túy căn cứ theo Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó:
"Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
đ) Đối với người đang cai nghiện;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
d) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Như vậy, việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là vi phạm pháp luật hình sự và hình phạt cao nhất về mức phạt tiền của tội này lên đến 500.000.000 đồng và hình phạt tù có thể lên đến tù chung thân nếu như sử dụng chất ma túy dẫn đến tinh thần bị phấn khích và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Khách hàng tổ chức sử dụng ma túy thì chủ cơ sở kinh doanh có bị xử phạt không? Mức phạt đối với việc tổ chức sử dụng ma túy? Chủ cơ sở kinh doanh bị xử phạt ra sao?
Chủ cơ sở kinh doanh bị xử phạt như thế nào?
Đối với chủ cơ sở, tùy vào hành vi có thể bị xử phạt theo Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, theo đó quy định:
"Điều 23. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy
...
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người quản lý phương tiện giao thông hoặc cá nhân khác có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, hoạt động kinh doanh karaoke, hoạt động kinh doanh vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, các phương tiện giao thông để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý;
...
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cung cấp địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng, tàng trữ, mua, bán trái phép chất ma túy;
..."
Bên cạnh đó, việc vi phạm này còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng. Nếu là người nước ngoài thì bị trục xuất. Ngoài ra, chủ cơ sở có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy căn cứ Điều 256 Bộ luật Hình sự 2015 nếu thỏa mãn đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội này, theo đó:
"Điều 256. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với người dưới 16 tuổi;
d) Đối với 02 người trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Như vậy, tùy vào tính chất và mức độ nhận thức của chủ cơ sở kinh doanh thì khi vi phạm có thể bị phạt hành chính lên đến 40.000.000 đồng hoặc bị phạt tù lên đến 15 năm tù. Chính vì vậy chủ sở hữu kinh doanh cần quản lý chặt chẽ cơ sở của mình để tránh các hành vi không mong muốn xảy ra.
Đặng Anh Duy
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Sử dụng ma túy có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã thực hiện do Bộ Y tế ban hành mới nhất?
- Công chức giữ chức vụ lãnh đạo của Bộ Tư pháp có 02 năm liên tiếp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ có bị cho thôi việc?
- Từ ngày 1/1/2025, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Người làm chứng trong tố tụng dân sự là ai? Người làm chứng được từ chối khai báo lời khai không?
- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo nhà chung cư phải được công bố công khai ở đâu?